“Bệ đỡ” cho doanh nghiệp
Xác định vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sâu sát của NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan, ngành Ngân hàng Ninh Thuận đã xây dựng chương trình hành động, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là thời điểm bị thiên tai, dịch bệnh... và đã trở thành "bệ đỡ" cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và phát triển.

Ngành Ngân hàng Ninh Thuận xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất tôm giống, nuôi tôm thịt, chế biến hải sản các loại xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Trung Quốc... mỗi năm, Công ty TNHH Thông Thuận đạt doanh thu trên 47 triệu USD, giải quyết việc làm trên 1.700 lao động tại địa phương, với mức lương bình quân 6 triệu đồng/ người/ tháng. Năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, nguồn nguyên liệu hạn chế, việc xuất khẩu hàng đi các nước gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, chuyển hướng kinh doanh của tập thể Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc Cty, đặc biệt là sự hỗ trợ kịp thời của Agribank chi nhánh Ninh Thuận trong việc thực hiện các giải pháp linh hoạt, tạo điều kiện cho công ty vay mới từ gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Từ đó, hoạt động của công ty ổn định và từng bước phát triển, doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ, đảm bảo việc làm thường xuyên và ổn định thu nhập cho người lao động.
Trước khó khăn về dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngành Ngân hàng Ninh Thuận đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn/giảm lãi vay... Đồng thời, triển khai quyết liệt nhiều gói tín dụng ưu đãi, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Tính đến cuối năm 2020, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho 280 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19 với dư nợ cơ cấu lại là 344 tỷ đồng; cho vay mới với doanh số 4.380 tỷ đồng, trong đó, khách hàng doanh nghiệp là 1.692 tỷ đồng/128 lượt khách hàng.
Bên cạnh chủ động nguồn vốn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngành Ngân hàng Ninh Thuận còn đẩy mạnh việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại như các sản phẩm thẻ ngân hàng điện tử, giúp cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời, triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là Đề án thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ...
Năm 2021 – Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, với sự đồng hành của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của ngành Ngân hàng bằng những chính sách thông thoáng sẽ là điều kiện giúp cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển./.
Bài và ảnh: Tấn Minh