Chung tay giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng
Bệnh tự kỷ là một vấn đề mang tính xã hội và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, căn bệnh này được biết đến trong khoảng 10 năm trở lại đây và cũng còn rất nhiều người chưa hiểu đúng về căn bệnh này. Hiện nay, số trẻ tự kỷ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng, đòi hỏi sự chung tay của gia đình cũng như xã hội. Nhân Ngày thế giới nhận biết chứng tự kỷ 2-4, mời quý vị và các bạn đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ninh Thuận để cùng chia sẻ với trẻ em bị mắc chứng tự kỷ, từ đó có sự can thiệp kịp thời và giúp trẻ sớm hòa nhập với cộng đồng.
Tự kỷ là một loại khuyết tật do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai, biểu hiện bằng những khiếm khuyết trong tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và các hành vi, sở thích, hoạt động mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại. Việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, đang là giải pháp tối ưu để hạn chế những ảnh hưởng của chứng tự kỷ đối với trẻ và giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Chị Phạm Thị Ngọc Hải, ở tỉnh Khánh Hòa phát hiện con trai mình, bé Sử Phạm Gia Hưng mắc chứng tự kỷ lúc 2 tuổi. Khi thấy con có những dấu hiệu như: thường xuyên xoay người, chạy nhảy vô định, nói chuyện một mình, không giao tiếp với ai, chị đã đưa bé đi khám và quyết định nghỉ việc, chuyển vào Ninh Thuận và đưa bé đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ninh Thuận để học tập và điều trị. Chị thường cho con đến Trung tâm hai buổi/tuần để cùng giáo viên hỗ trợ, giáo dục. Nhờ vậy, sau gần một năm, bé Gia Hưng đã nhận biết được những đồ vật xung quanh, tăng sự tập trung, cải thiện giao tiếp, bộc lộ cảm xúc và ý nghĩ.
Giờ tậpvẽ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ninh Thuận.
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ninh Thuận được thành lập vào năm 2015. Hiện nay, đa số trẻ được học và gửi tại Trung tâm là trẻ tự kỷ. Mỗi trẻ tự kỷ có sự khác biệt riêng, như: rối loạn về ngôn ngữ, âm thanh, tập trung, cảm xúc… đòi hỏi sự chăm sóc, giáo dục chuyên biệt để trẻ có thể tự tin hòa nhập cộng đồng. Sau một thời gian học tập tại Trung tâm, một số trẻ đã có thể tự ý thức và làm theo hướng dẫn của cô giáo và biết tập trung hơn. Tuy nhiên, để điều trị chứng tự kỷ ở trẻ cần phải có thời gian dài, sự kiên trì, quan tâm của gia đình và xã hội nhiều hơn.
Không có giáo án hay phương pháp cụ thể dạy cho trẻ mắc tự kỷ. Phần lớn, các cô giáo tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ninh Thuận phải tùy vào tình trạng của từng trẻ để điều tiết cách dạy và trị liệu riêng cho các cháu.
Hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ninh Thuận đã mở ra cơ hội cho trẻ khuyết tật nói chung, trẻ tự kỷ nói riêng được học văn hóa, giáo dục kĩ năng sống để các em có thể hòa nhập, phát triển toàn diện và sớm hòa nhập với cộng đồng./.
Bài và ảnh: Mộng Thu – Ashah Xuyến