Kết quả 5 năm thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Bác Ái
Huyện miền núi Bác Ái là một trong 85 huyện nghèo của cả nước. Toàn huyện có 9 xã thuộc khu vực 3, đặc biệt khó khăn, trong đó, đồng bào Raglai chiếm gần 90%. Từ năm 2015 đến nay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện là ưu tiên các nguồn lực để cải thiện đời sống của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững kết hợp xây dựng nông thôn mới, từ năm 2015 đến nay, huyện Bác Ái đã triển khai 62 mô hình, dự án, trong đó, có 33 dự án trồng trọt và 29 dự án chăn nuôi. Huyện cũng đã kết hợp các ngành chức năng triển khai 28 mô hình khuyến nông, hỗ trợ các địa phương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển mô hình trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như bưởi, sầu riêng, dưa lưới, bắp lai, mì cao sản; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận những giống cây trồng mới và kiến thức về cách chăm sóc, phòng trị bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Mô hình trồng bắp lai ở huyện Bác Ái
Để đảm bảo nguồn lực phát triển, giai đoạn 2015 đến nay, huyện Bác Ái huy động từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương trên 1.100 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, các công trình phúc lợi xã hội; đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất... Các chương trình, dự án đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt trên 15%, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 17,2 triệu đồng năm 2019, tăng 72% so với năm 2015. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương, toàn huyện có 371 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 34,25% với 2.601 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 10,96% với 832 hộ, giảm 6,06% hộ nghèo và 2,84% hộ cận nghèo so với năm 2018. Phát huy những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo 5 năm qua, thời gian tới, huyện Bác Ái tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hút các dự án đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, phấn đấu tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ 12% trở lên, từng bước nâng cao đời sống của người dân, tiến tới giảm nghèo bền vững./.
Bài và ảnh: Thành Nhân