Quốc hội bắt đầu đợt họp thứ 2, kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 14
Tiếp tục kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 14, sáng ngày 2-11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận; Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An. Theo đó, Tờ trình của Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 432 ha rừng (gồm rừng phòng hộ hơn 100 ha; rừng sản xuất gần 310 ha; diện tích đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng gần 22 ha).

Quốc hội bắt đầu đợt họp thứ 2, kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 14
Theo tờ trình, Dự án hồ chứa nước Sông Than được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận phê duyệt lần đầu với tổng mức đầu tư gần 717 tỷ đồng; diện tích sử dụng đất hơn 800 ha nhưng phải tạm dừng do khó khăn về nguồn vốn. Năm 2016, do tình hình hạn hán xảy ra nghiêm trọng và nhu cầu cấp bách của việc chống hạn, Dự án được điều chỉnh và đưa vào bố trí kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 với tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng. Dự án sẽ cấp nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ dân vùng hạ lưu. Đến nay, dự án đã triển khai được khoảng 35% khối lượng công việc. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc chuyển mục đích sử dụng hơn 100 ha rừng của Dự án là bắt buộc để bảo đảm hiệu quả đầu tư công trình. Dự án đã lên kế hoạch trồng rừng thay thế với diện tích 595 ha, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ phê duyệt kinh phí trồng rừng thay thế bổ sung theo quy định của Luật Lâm nghiệp ngay sau khi chủ trương được Quốc hội thông qua. Theo Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường, qua khảo sát tại Dự án Hồ chứa nước sông Than và Dự án hồ chứa nước Bản Mồng cho thấy: các diện tích rừng phải chuyển đổi đều là rừng nghèo, nghèo kiệt, do đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để các dự án này sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động là cần thiết và cấp bách. Trước lợi ích kép của các dự án trong việc phát triển nông nghiệp, phòng chống thiên tai, đặc biệt, cải thiện điều kiện hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội của 2 huyện miền núi thường xuyên chịu khô hạn của tỉnh Ninh Thuận, vùng Tây Nghệ An và Nam Thanh Hóa, Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường khẳng định, 2 Dự án Hồ chứa nước này đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích sử dụng khác tại Kỳ họp này. Ủy ban cũng lưu ý, tỉnh Ninh Thuận cần bổ sung kinh phí phát sinh trồng rừng thay thế, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế và bảo đảm nguồn lực cần thiết để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án. Ủy ban cũng đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để bảo đảm tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động, bảo vệ môi trường và hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025. Buổi chiều, Quốc hội đã tiến hành họp để nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về nội dung này.
Biên tập: Trúc Quyên