Chúng ta phải tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa, phải khơi thông được nguồn lực xã hội hóa, tạo điều kiện cho văn hóa Việt Nam phát triển bền vững cũng như khẳng định “sức mạnh mềm” của Việt Nam trên thế giới.
Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta luôn hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá, tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp để khắc phục. Đặc biệt chúng ta cần nhìn nhận lại sau 1 năm diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Nhân dịp này, Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông với chủ đề “Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững đất nước”.
