Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023. – Ảnh: VGP/Quang Thương.

Chiều 2/2, Văn phòng Chính phủ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

Thông tin về phiên họp Chính phủ tháng 01 năm 2023 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết phiên họp nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 1, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 02 và thời gian tới; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 03 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; việc triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ và nhiều nội dung quan trọng khác.

Phiên họp diễn ra trong bối cảnh cả nước vừa tổ chức đón Tết nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, hiệu quả; tạo không khí hân hoan, tinh thần phấn chấn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và thời gian tới.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, Thường trực Chính phủ đã họp đánh giá tình hình Tết và các nhiệm vụ, giải pháp sau Tết. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực, bắt tay ngay vào công việc theo các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Sụt giảm nhu cầu thế giới đặt ra thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc năm 2022, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã giải ngân được bao nhiêu tiền? Dự kiến nhiệm vụ giải ngân năm 2023 sẽ là bao nhiêu và tập trung vào những dự án, lĩnh vực nào? Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu trong cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay và sẽ kéo dài sang đầu năm 2023. Nhu cầu thế giới giảm sút rõ rệt do: một là, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới; hai là, những cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao; ba là, lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 do vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.

Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cũng có nhiều yếu tố tích cực như các Hiệp định FTA tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực, sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA.

Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 đạt mức tăng khoảng 6% so với năm 2022. Năm 2022, xuất khẩu cả nước đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Như vậy với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022./.

Theo dangcongsan.vn