Số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 22/1 cho thấy, hiện toàn thế giới có 276.529.889 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 64.484.265 ca bệnh đang điều trị, có 64.388.384 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 95.880 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Nhân viên tại một cơ sở y tế ở Seongnam, gần thủ đô Seoul, Hàn Quốc đang tư vấn trực tuyến cho một người nhiễm COVID-19, ngày 21/1/2022. Người nhiễm COVID-19 này đang được điều trị tại nhà bằng thuốc Paxlovid do hãng Pfizer phát triển. – Ảnh: Yonhap.

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 111.544.352 trường hợp, trong đó có 1.589.027 ca tử vong và 85.218.850 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 tại châu Âu cao nhất thế giới, lần lượt là 1.525.510 và 3.012 trường hợp. Cùng với sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Omicron, Châu Âu hiện là “điểm nóng” dịch bệnh của thế giới với số ca mắc mới tăng đều ở nhiều nước thuộc châu lục.

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 22/1, hiện 60,3% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính đến nay, đã có 9,82 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 28,95 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng là không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp hiện mới chỉ đạt 9,4%.

Ngày 21/1, Ủy ban tham vấn về COVID-19 của Bỉ (CODECO) đã thông qua một biện pháp gây nhiều tranh cãi về việc áp dụng phong vũ biểu kể từ ngày 28/1. Phong vũ biểu quy định phân màu các vùng dịch thành 3 màu vàng, cam và đỏ để giúp người dân hiểu rõ mức độ dịch tại từng vùng cũng như làm căn cứ để giới chức đưa ra những quyết định phòng dịch phù hợp. Cụ thể, màu vàng tương đương với hạn chế ở mức thấp; màu cam yêu cầu tuân thủ các quy định kèm theo các hạn chế; trong khi màu đỏ là hạn chế chặt chẽ. Hiện Bỉ đang đứng thứ 11 châu Âu về tổng số ca nhiễm COVID-19. Trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận thêm 67.448 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tính đến sáng 22/1 lên 2.642.761 trường hợp.

Còn tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 22/1 là 83.448.893 trường hợp, trong đó có 1.292.048 ca tử vong. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 71.297.679 ca nhiễm và 887.512 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là nước có số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất thế giới, với 699.687 ca.

 Một người đàn ông đeo khẩu trang đi bộ trên đường phố ở Cairo, Ai Cập, ngày 21/1/2022. – Ảnh: Xinhua.

Tại châu Á, song song với việc triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nhiều nước tiếp tục theo đuổi chủ trương mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 93.594.323 trường hợp, với 1.277.201 ca tử vong và 86.717.478 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 696.704 ca nhiễm mới.

Số ca mắc mới tại Nhật Bản được công bố ngày 21/1 đã vượt mốc 47.000 ca, lập kỷ lục ngày thứ 4 liên tiếp, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc kể từ đầu dịch lên hơn 2 triệu người, với hơn 18.000 ca tử vong. Nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 6 cùng với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, chính phủ Nhật Bản đã mở rộng các hạn chế nhằm ngăn chặn biến thể Omicron lây lan ở Tokyo và nhiều nơi khác. Nhằm tránh quá tải cho hệ thống y tế, nhà chức trách đã quyết định mở rộng tình trạng khẩn cấp sang thủ đô và 12 tỉnh khác trong vòng 3 tuần, từ ngày 21/1 – 13/2. Theo sắc lệnh mới nhất, hầu hết các quán ăn được yêu cầu đóng cửa sớm, trong khi các sự kiện lớn có thể được phép hoạt động hết công suất nếu ban tổ chức có kế hoạch chống virus được phê duyệt.

Trước đó, ngày 21/1, Bộ Y tế Nhật đã phê duyệt tiêm phòng vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 – 11 tuổi. Quyết định được các nhà chức trách Nhật Bản đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/1 đã đề xuất mở rộng việc tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 – 11 tuổi, nhưng với liều lượng giảm hơn so với trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Còn tại châu Phi, tính đến sáng 22/1, tổng số ca nhiễm ghi nhận tại khu vực này là 10.691.271 trường hợp, trong đó có 236.204 ca tử vong và 9.468.593 ca bình phục. Trong tổng số 986.474 ca đang điều trị thì có 2.911 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.576.379 ca nhiễm COVID-19 và 93.949 ca tử vong vì dịch bệnh.

Nam Phi là nền kinh tế lớn hàng đầu ở châu Phi đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19 do một loạt lệnh phong tỏa và các quy định phòng chống dịch đã gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này, đẩy tỉ lệ lạm phát lên mức kỷ lục 34,9% trong quý III/2021. Ngày 21/1, Bộ Tài chính Nam Phi thông báo Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản cho vay 750 triệu USD hỗ trợ Nam Phi trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Khoản cho vay của WB là nhằm bảo vệ người nghèo và những người dễ bị tổn thương tại Nam Phi do những tác động tiêu cực của đại dịch đối với kinh tế, xã hội, đồng thời hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế bền vững và thích ứng của quốc gia này.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 65.360 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 64.520 ca. Hiện khu vực này có tổng số 2.267.043 trường hợp ca mắc COVID-19, với 5.326 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 2.090.810 ca, tiếp theo sau là Fiji với 60.931 ca./.

Theo dangcongsan.vn