![]() |
Các diễn giả tại Toạ đàm: “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp”.
|
Để cùng tìm giải pháp lành mạnh hoá thị trường trong nước, góp phần bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới, ngày 4/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Toạ đàm: “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp” với sự tham dự của các vị khách mời: Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT); bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực; chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.
Thị trường có độ trễ
Lý giải về thực trạng “xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm”, bà Đinh Thị Nương cho biết: Sở dĩ có tình trạng này là do một số nhóm hàng hoá, dịch vụ chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu, khi xăng dầu điều chỉnh giá giảm thì các nhóm hàng cần thời gian, độ trễ nhất định để đơn vị sản xuất kinh doanh rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu.
Về tình trạng “tăng nhanh, giảm chậm” trong hoạt động vận tải, ông Trần Bảo Ngọc thông tin: Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30-40% trong tổng chi phí các yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ vận tải. Do đó, khi giá xăng, dầu biến động tăng mạnh như thời gian trước hoặc giảm sâu như thời điểm 1 tháng gần đây thì các đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại.
“Ví dụ như với xe taxi, khi giá nguyên liệu biến động, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện kê khai giá với Sở GTVT địa phương. Sau đó, phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, phải in lại tờ niêm yết giá… Tất cả những công đoạn đó sẽ cần một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, còn có yếu tố tâm lý khách hàng và đối thủ cạnh tranh”, ông Ngọc nói.
Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng cho biết, theo Luật Giá, hiện chúng ta đang quản lý giá dịch vụ vận tải trên quy luật của thị trường. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, quyền quyết định giá và cạnh tranh giá của các đơn vị kinh doanh vận tải.
Các đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ những quy định trong công tác quản lý giá, ví dụ như phải thực hiện kê khai giá. Hoặc đối với những lĩnh vực mà Nhà nước có quy định khung giá thì không được tăng giá quá khung. Và kê khai giá rồi thì phải thực hiện niêm yết giá đầy đủ và phải bán theo đúng giá kê khai đã niêm yết.
Với những doanh nghiệp vận tải bị phát hiện có vi phạm trong việc kê khai, niêm yết giá, ông Trần Bảo Ngọc khẳng định: Chúng ta có đầy đủ công cụ, Nghị định quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá. Đối với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, lái xe thậm chí phải trả lại tiền cho hành khách nếu thu quá cao hoặc với các vi phạm nghiêm trọng hơn thì đơn vị chức năng sẽ thu hồi phù hiệu kinh doanh vận tải của doanh nghiệp đó.
Mặc dù đồng tình với cách lý giải của 2 cơ quan chức năng về chu trình và độ trễ của giá cả thị trường nhưng chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng “không thể trễ tới hàng tháng, thậm chí là mấy tháng được”.
“Ý kiến phản ánh của người dân rất quan trọng. Người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng mua bán, đi lại vẫn như cũ. Khi đó, họ có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng. Tôi mong các cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý kịp thời. Không thì người dân sẽ cảm thấy nản lòng, bởi kiến nghị nhiều mà không được xử lý”, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ.
Chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội
Trước thực trạng nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ tiếp tục neo ở mức giá cao trong khi xăng, dầu đã giảm đến 4 lần liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
![]() |
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương, phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)cho biết: Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết và kịp thời cho những tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4% Chính phủ đề ra.
Phối hợp chặt chẽ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như: ngư dân đánh bắt thủy hải sản, giao thông vận tải, người nghèo, người có thu nhập thấp.
Riêng đối với giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT tiếp tục kê khai và rà soát giá. Trường hợp các khoản chi phí như: chi phí phát hành, một số chi phí quản lý doanh nghiệp… tăng thì Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá sách giáo khoa để chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, đảm bảo về an sinh xã hội.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và công khai minh bạch về giá để cho người tiêu dùng hiểu, theo dõi, giám sát và hạn chế những thông tin gây thất thiệt, hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn cho thị trường.
Về phía Bộ GTVT, ông Trần Bảo Ngọc cũng cho biết, Bộ GTVT đã rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý giá để phối hợp với Bộ Tài chính ban hành những văn bản điều hành phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ GTVT tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện nào không còn cần thiết, phù hợp thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Tiết kiệm chi phí, cải cách thủ tục
![]() |
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú phát biểu tại buổi tọa đàm. |