Bệnh “sốt mò” - Căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng ít người biết.
14/11/2023 10:09
Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm y tế huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận đã tiếp nhận nhiều ca bệnh có triệu chứng sốt kéo dài. Khi bị sốt từ 4 đến 5 ngày nhiều người tự mua thuốc hạ sốt uống tại nhà tuy nhiên bệnh tình không thuyên giảm nên người bệnh mới đến bệnh viện để được thăm khám. Sau khi xem xét các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ phát hiện, chẩn đoán những bệnh nhân này mắc bệnh “sốt mò”, một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng ít người biết.
Đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm y tế huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận đã tiếp nhận và chữa trị 56 ca bệnh “sốt mò”.
Bệnh “sốt mò”, còn có tên gọi khác là sốt triền sông Nhật Bản, sốt bụi rậm, sốt phát ban rừng…. Nguyên nhân gây bệnh bắt nguồn từ loại vi khuẩn có tên Orientalis, thuộc họ Rickettsia. Ấu trùng bọ ve mò đã bị nhiễm mầm bệnh chính là vật trung gian truyền sốt mò. Ấu trùng mò mang vi khuẩn đốt cắn con người, truyền bệnh qua nước bọt của con mò là phương thức lây nhiễm duy nhất.
Cháu PuPur Nam, 7 tuổi ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận có triệu chứng sốt cao, gia đình tự mua thuốc hạ sốt trong 3 ngày nhưng không giảm nên đã đưa cháu xuống Trung tâm Y tế huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận để khám bệnh. Sau khi làm các kiểm tra, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị “sốt mò”, vết đốt nằm ở vị trí hốc nách của bệnh nhân, có chạy hạch.
Bệnh “sốt mò” là một bệnh truyền nhiễm với đặc điểm nổi bật là sốt kéo dài, phát ban kèm nổi hạch. Bệnh do vi khuẩn gây ra và cần phải điều trị kháng sinh dài ngày. Bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng và có thể gây ra các biến chứng: viêm phổi, viêm não màng não, viêm cơ tim… hoặc suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Phó phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận cho biết thêm : Trên địa bàn huyện Ninh Sơn, từ tháng 1 đến tháng 10/2023 đã có khoảng 56 ca bệnh “sốt mò”. Đa số bệnh nhân ở vùng Bác Ái. Sốt mò có tên khoa học là Texia, biểu hiện lâm sàng thời gian ủ bệnh là 4-5 ngày, bệnh nhân sốt, đau nhức đầu và mắt, cùng với đó có vết thương da giống như nút áo từ 2-5 mm, kèm theo đó có hạch xung quanh nốt mò cắn, ví dụ ở nách có hạch ở nách và có hồng ban chấm chấm ở những vùng đó”.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận đã tiếp nhận 56 ca mắc bệnh “sốt mò”. Hầu hết người bệnh là người dân sinh sống hay đi rừng ở huyện Bác Ái. Các bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh “sốt mò” sau khi được lên phác đồ điều trị đã ổn định sức khỏe sau 4 đến 5 ngày. Vết loét điển hình của “sốt mò” thường có hình bầu dục, kích thước từ: 0,5 – 2 cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, không tiết dịch. Vết loét thường không đau, không ngứa và khu trú ở những vùng da mềm như: cổ, nách, ngực, bụng, bẹn… nên người bệnh cũng không biết đến.
Việt Nam là vùng dịch tễ của bệnh “sốt mò”. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận khuyến cáo, để phòng bệnh “sốt mò”, người dân cần tích cực phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn dẹp sạch cỏ dại, cây cối um tùm cũng như diệt chuột và các loài gặm nhấm. Khơi thông cống rãnh, định kỳ phun thuốc diệt côn trùng 6 tháng/lần. Không nằm hoặc phơi quần áo ở những nơi ẩm ướt để tránh ấu trùng mò bám vào. Khi vào rừng tham quan hay làm việc cần lưu ý tránh nghỉ ngơi dưới cây cỏ rậm rạp, nhiều cỏ dại, đất mùn. Không nằm dưới đất mà nằm trên võng cao. Nên mặc quần áo kín đáo, đi giầy cao cổ. Dùng thuốc xua đuổi côn trùng bôi vào vùng da trống. Đi về nên thay đồ ngay và tắm rửa sạch sẽ, không nên mặc đi lại nhiều lần. Nếu đi về từ các vùng dịch tễ và xuất hiện sốt cao, đau đầu, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lại các hậu quả đáng tiếc./.