Việc đưa vào để quy định chính là làm sao đảm bảo ngăn chặn được những trường hợp dạy thêm học thêm không đúng theo nguyện vọng mong muốn của chính bản thân các em học sinh – ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học.
Ngày 20/11, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đồng tình với đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý vi phạm bên ngoài trường học.
Trả lời phỏng vấn VOV2, đại diện Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT đã phân tích vì sao cần đưa dạy thêm học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thiếu quy định – Dạy thêm học thêm hiện khó quản lý
PV: Thưa ông! Lý do tại sao Bộ GD-ĐT từng đề xuất, cũng như ủng hộ đề xuất mới đây của đại biểu Quốc hội đưa dạy thêm học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Trước đây từ khi xây dựng và ban hành Thông tư 17 quy định về dạy thêm học thêm dựa trên cơ sở pháp lý là dịch vụ tổ chức dạy thêm học thêm được đưa vào danh mục trong Luật đầu tư là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Vì vậy Thông tư 17 mới có cơ sở để quy định điều kiện về tổ chức dạy thêm học thêm. Thí dụ như điều kiện để tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường: Đối với các cơ sở và tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường thì phải có những cam kết với Ủy ban nhân dân các cấp từ cấp phường, xã cho đến cấp quận, huyện để đảm bảo yêu cầu về việc tổ chức dạy thêm học thêm, công khai các các vấn đề về tổ chức, địa điểm, mức phí, đội ngũ.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD-ĐT.
Thông tư 17 cũng có các điều khoản quy định đối với người dạy thêm, đối với người đứng ra tổ chức dạy thêm học thêm, điều kiện về cơ sở vật chất… vì đây là loại hình rất đặc biệt, tác động đến các cháu học sinh.
Nhưng sau này, dạy thêm học thêm đưa khỏi cái danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư và vì thế Thông tư 17 phải bãi bỏ những điều khoản, quy định tương ứng như vừa nêu.
Khi bãi bỏ đã có những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý đối với cái việc dạy thêm học thêm ngoài nhà trường, khó khăn cho việc quản lý hoạt động dạy thêm học thêm ngoài nhà trường tại các địa phương.
PV: Sau khi công bố hết hiệu lực một số điều vào năm 2019, Thông tư 17 về dạy thêm học thêm vẫn có quy định “cấm” dạy thêm học thêm ở các trường học học 2 buổi 1 ngày và với cấp tiểu học. Và vẫn có quy định “giáo viên không được dạy thêm học thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đó đang dạy chính khóa khi mà chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị của giáo viên đó”. Vậy khi không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì điểm khó quản lý ở đây là gì?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Quy định đó đảm bảo rằng khi thực hiện các nhiệm vụ nhà trường, giáo viên đã phải dạy đầy đủ tất cả các yêu cầu, đầy đủ chương trình cho học sinh của mình, tránh trường hợp ở đâu đó giáo viên dạy chưa có đầy đủ, chưa hết theo kế hoạch giáo dục rồi lại tổ chức dạy thêm, mặc dù là tự nguyện nhưng cuối cùng học sinh lại phải tự nguyện một cách bắt buộc.
Khi Thông tư 17 phải bãi bỏ một số điều thì có nghĩa là không còn có sự cam kết, không còn phải công khai địa điểm, không còn phải công khai đội ngũ giáo viên, mức phí và những điều kiện khác… Như vậy, việc quản lý quy định của Thông tư 17 là “giáo viên không được dạy thêm học sinh chính học sinh của mình bên ngoài nhà trường nếu chưa được Thủ trưởng cơ quan cho phép” thì rất khó quản lý. Bởi vì nó là cả một môi trường xã hội rất rộng lớn như thế…
Tất nhiên, khi dạy như thế thì nếu bắt được thì vẫn có thể xử lý nhưng việc kiểm tra, giám sát gặp khó khăn, không thể tổ chức thanh kiểm tra.
Thực tế hiện nay, việc tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh ở địa phương cho dù bất cứ ngành nghề nào, trong đó tổ chức dạy thêm học thêm thì cũng phải có sự đăng ký đối và được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép. Các kênh thanh tra chuyên ngành cũng có thể phối hợp với các cơ quan quản lý giúp địa phương để mà thanh tra kiểm tra cơ sở đó nhưng theo quy định chung của việc đăng ký kinh doanh chứ không có đặc thù riêng, điều kiện riêng đối với giáo dục.
Dạy thêm học thêm không đúng nguyện vọng làm lãng phí xã hội
PV: Dư luận hiểu là mọi hoạt động dạy thêm hiện nay đang bị “cấm”, cách hiểu này có đúng không? Nếu hiện nay “cấm” mà dạy thêm học thêm vẫn khó kiểm soát thì khi cho phép như một ngành kinh doanh có điều kiện, liệu dạy thêm học thêm có phát triển mạnh hơn?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Nói “cấm” thì tôi cho là không chính xác. Hiện nay, các tổ chức, cá nhân khi đăng ký kinh doanh, trong đó có loại hình kinh doanh về tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm thì vẫn có hành lang pháp lý để cho các cơ sở đó đăng ký và được quản chung theo các loại hình kinh doanh khác.
Nhưng việc quản lý này không có quy định đặc thù của giáo dục nên các điều kiện về bảo đảm chất lượng giáo dục không được kiểm soát một cách chặt chẽ.
PV: Vậy thì đưa dạy thêm học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng điều gì?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Nếu đưa dịch vụ tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì Bộ sẽ xây dựng sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 17. Trong đó sẽ có quy định cụ thể những điều kiện của việc tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường làm sao cho tất cả những việc này sẽ được quản lý trong khuôn khổ pháp lý một cách công khai, minh bạch.
Mục đích chúng ta không cấm dạy thêm học thêm vì theo chúng tôi đánh giá thì đó là cái nhu cầu có thực và đâu đó chúng ta cũng thấy là khi mà học sinh có nhu cầu muốn học thêm mà với lý do chính đáng, đúng nguyện vọng của mình để muốn phát triển phẩm chất năng lực của mình theo nhu cầu thì đó là một việc tích cực.
Việc đưa vào để quy định thì chính là làm sao để đảm bảo ngăn chặn hay ngăn ngừa được những trường hợp mà dạy thêm học thêm không đúng theo nguyện vọng mong muốn của chính bản thân các em học sinh.
Việc dạy thêm học thêm không đúng nguyện vọng không chỉ tổn hao sức lực tiền bạc cho bản thân học sinh và cha mẹ học sinh mà thực sự nó là một sự tổn hao lãng phí nhiều nguồn lực của xã hội nói chung mà lại không góp phần giúp cho chất lượng giáo dục phổ thông được tốt hơn. Cái đó chúng ta sẽ phải lên án.
Mặt khác quy định phải làm sao phát huy được nguồn lực giáo viên, những giáo viên giỏi, có uy tín được học sinh cha mẹ học sinh mong muốn thì cũng là cái chỗ để cho các thầy các cô tiếp tục cống hiến, góp chung cho chất lượng giáo dục của toàn đất nước của chúng ta.
Cần nhiều giải pháp cho tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan
PV: Tuy nhiên thì trên thực tế dư luận cũng rất bức xúc với việc dạy thêm học thêm tràn lan. Khi mà dạy thêm học thêm ngoài nhà trường được quản lý chặt chẽ hơn thì liệu có giảm được tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan không? Hay cần có những biện pháp gì để giảm tình trạng này?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Việc quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm là làm sao cho việc tổ chức hoạt động một cách rất là rõ ràng, công khai, minh bạch. Người học đúng theo nguyện vọng mong muốn nhu cầu của bản thân, không vì mục tiêu được điểm số này, điểm số kia phục vụ cho một vài bài kiểm tra.
Giảm dạy thêm học thêm cần có nhiều giải pháp. Hiện nay Bộ GD-ĐT cũng đã và đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để làm sao các cơ sở giáo dục của các địa phương tổ chức việc đánh giá học sinh đúng theo yêu cầu quy định của chương trình.
Chương trình đã ban hành rất rõ yêu cầu cần đạt, đề kiểm tra, các câu hỏi kiểm tra phải đạt đến đấy không được nâng cao lên quá so với yêu cầu của chương trình. Nâng cao lên vô hình chung lại làm phí công mà chúng ta đã cố gắng giảm tải chương trình để tập trung cho việc phát triển năng lực phẩm chất của học sinh, làm cho học sinh muốn đạt được điểm cao lại phải học thêm.
THCS là cấp phổ cập rồi nên yêu cầu quy định ở địa phương phải có đủ chỗ cho học sinh học. Một số trường uy tín hơn, được nhiều người quan tâm hơn, số đăng ký vào nhiều hơn cần phải có một bài kiểm tra đánh giá năng lực như Thông tư hiện nay đang quy định và Bộ cũng đã chỉ đạo các nhà trường chứ không phải những bài kiểm tra kiến thức nâng cao để học sinh muốn làm được phải đi học thêm.
Còn đối với việc chuyển cấp từ THCS lên THPT cũng đã có quy định về phân luồng. Tất nhiên, cơ sở giáo dục ở cấp trung học phổ thông chỉ có thể tiếp nhận được một tỷ lệ nào đó học sinh vào mà thôi. Ngoài ra, các em sẽ phải đi vào các trường nghề. Cái này thì chúng tôi cũng mong muốn là dần dần xã hội cũng phải hiểu, không thể tất cả cứ phải đi theo một hướng đến đại học.
Chương trình 2018 theo định hướng phát triển năng lực người học. Có thể hình dung thế này, với những kiến thức chỉ là phổ thông cơ bản trong chương trình, các bài kiểm tra yêu cầu học sinh phải biết vận dụng kiến thức đó để giải quyết những vấn đề đặt ra, lúc đó thì việc dạy thêm học thêm mà giống như bây giờ cứ cặm cụi miệt mài làm những câu hỏi bài tập kiến thức cũng không đạt được mục tiêu.
Nếu làm tốt Chương trình 2018, một là giảm chuyện đi học thêm chỉ vì những bài tập nâng cao này kia và nếu như có tổ chức dạy thêm, học thêm thì lúc bấy giờ sẽ thiên về các kiến thức, kỹ năng như kỹ năng sống, giá trị sống và những kỹ năng khác để góp phần phát triển toàn diện học sinh.
Vâng! Trân trọng cảm ơn ông!
Theo vov.vn