clock
Đang Tải...
logo
logo

Tin Khoa Học - Công Nghệ

Các quốc gia trên thế giới chỉ còn 2 năm để cứu Trái đất

play video11/04/2024 14:25

Theo quan chức phụ trách biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, các chính phủ, nhà lãnh đạo doanh nghiệp và ngân hàng phát triển chỉ còn 2 năm để hành động nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn.

Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell phát biểu tại một hội nghị ở Dubai, UAE, ngày 12/2/2024. (Ảnh: Reuters)

Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell phát biểu tại một hội nghị ở Dubai, UAE, ngày 12/2/2024. – Ảnh: Reuters.

Trong một bài phát biểu mới đây, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell cảnh báo vấn đề nóng lên toàn cầu đang dần trượt ra khỏi chương trình nghị sự của các chính trị gia trên thế giới.

Các nhà khoa học cho biết, việc giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu nhà kính vào năm 2030 là vô cùng quan trọng để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 độ C – giới hạn giúp con người có thể tránh được những tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, năm ngoái, phát thải khí CO2 trong lĩnh vực năng lượng của thế giới đã tăng lên mức cao kỷ lục. Các cam kết hành động chống biến đổi khí hậu được đưa ra cho đến thời điểm hiện tại gần như sẽ không thể đáp ứng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.

Theo ông Simon Stiell, khoảng thời gian 2 năm tới đây có ý nghĩa quyết định trong nỗ lực cứu Trái đất trước mối đe dọa biến đổi khí hậu hiện nay.

“Chúng ta vẫn còn cơ hội giảm lượng khí thải nhà kính bằng các kế hoạch khí hậu quốc gia mới. Nhưng chúng ta cần những kế hoạch đó mạnh mẽ hơn và ngay bây giờ”, Thư ký điều hành UNFCCC cho hay.

Ông Stiell kêu gọi các nước thuộc nhóm G20, vốn chiếm 80% tổng lượng khí thải toàn cầu, phải có những động thái khẩn trương và quyết liệt hơn.

Vị quan chức phụ trách biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đồng thời nhấn mạnh cần huy động thêm nguồn lực tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu, thông qua cơ chế miễn trừ nợ và cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các nước nghèo, và các nguồn tài chính quốc tế mới như thuế phát thải đối với ngành vận tải biển…

Ông cho biết, nhiệm vụ chính của các cuộc đàm phán về khí hậu tại hội nghị COP29 ở Baku, Azerbaijan năm nay là thúc đẩy các quốc gia cùng thống nhất một mục tiêu mới về tài chính khí hậu, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển gặp khó khăn trong việc đầu tư chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và chống biến đổi khí hậu.

Theo nhandan.vn

CAM NANG CHUYEN DOI SO
SERI KY SU - DOC DAO NUOC TROI
Advertise 1
Advertise 2