Tham dự tọa đàm có đại diện các bộ Ngoại giao, Thủy lợi Trung Quốc; tỉnh Vân Nam, Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương, cùng đại diện các đại sứ quán và các cơ quan truyền thông của các quốc gia trong cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương.
Hội nghị tập trung thảo luận cách thức thúc đẩy hợp tác sâu rộng nhằm ứng phó với các thách thức từ biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời tăng cường quản lý tài nguyên nước và năng lực phòng, chống thiên tai trong khu vực.
Tham tán Vương Học Thuần, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu tại tọa đàm. |
Phát biểu ý kiến tại sự kiện, ông Vương Học Thuần, Tham tán Vụ Biên hải, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhấn mạnh những thành quả nổi bật trong 8 năm hợp tác Mekong-Lan Thương. Ông cho biết, với nỗ lực chung của các quốc gia trong lưu vực, hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trở thành một “thương hiệu chính” trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương.
Ông Vương Học Thuần cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài nguyên nước, đồng thời cho biết Trung Quốc đã sử dụng hiệu quả nền tảng chia sẻ thông tin hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương để cung cấp dữ liệu thủy văn, hỗ trợ các quốc gia hạ lưu nâng cao năng lực chống lũ và hạn hán.
Tham tán Lê Trung Kiên, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, phát biểu tại tọa đàm. |
Về phần mình, ông Lê Trung Kiên, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, đã đề cập đến sáng kiến “Thúc đẩy hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương” được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 9 tổ chức tại Thái Lan vào tháng 8 năm 2024. Theo đó, các bên nhất trí tăng cường phối hợp chính sách, thúc đẩy hợp tác thực tiễn trong các lĩnh vực như phát triển bền vững tài nguyên nước, chia sẻ thông tin thủy văn và phòng chống thiên tai…
Ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh, Việt Nam luôn là thành viên tích cực trong hợp tác Mekong-Lan Thương, với sự tham gia sôi nổi của các bộ, ngành và địa phương Việt Nam vào các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Trong phần trao đổi chuyên đề, các chuyên gia từ các quốc gia đã thảo luận sâu về kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước lưu vực và phòng chống thiên tai. Ông Thanaroj Worratprasert, Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia Thái Lan, đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của Thái Lan trong việc ứng phó với lũ lụt. Ông Thongthip Chandalasane, Ban thư ký Ủy ban sông Mekong Lào, đã trình bày về các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước của Lào. Tiến sĩ Trương Thành, Trung tâm Giảm thiểu thiên tai, Bộ Thủy lợi Trung Quốc, đã phân tích những tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm thực tiễn của Trung Quốc trong phòng, chống thiên tai lũ lụt và hạn hán.
Các đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất thiên tai lũ lụt và hạn hán, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân trong lưu vực, cần tăng cường hợp tác ở cấp lưu vực, nâng cao năng lực cảnh báo và giám sát, cải thiện hệ thống hạ tầng, tận dụng tốt hơn công nghệ thông tin hiện đại nhằm xây dựng một lưu vực Mekong-Lan Thương có khả năng chống chịu tốt hơn với khí hậu.
Biểu diễn Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Vân Nam – Bắt cá bằng chim cốc tại Hồ Định Ba. |