Đưa tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số vào giảng dạy, góp phần bảo tồn đa dạng văn hóa
13/03/2023 13:57
Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là việc tăng cường dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trong trường học. Đối với Ninh Thuận, từ sau ngày giải phóng, năm 1978, tỉnh Thuận Hải đã đưa tiếng Chăm vào giảng dạy trong các trường học ở vùng đồng bào Chăm. Và đến năm 2020, sau khi bộ chữ viết tiếng Raglai được công nhận, Ninh Thuận cũng đã đưa tiếng Raglai vào trường học. Việc đưa tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong trường phổ thông đã mang lại hiệu quả giáo dục to lớn, đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số.
Đưa tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số vào giảng dạy, góp phần bảo tồn đa dạng văn hóa.
Trường Tiểu học Vĩnh Thuận, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận có hơn 98% học sinh của ngôi trường này là con em đồng bào Chăm.
Ngay từ khi bước chân vào lớp 1, các em học sinh người Chăm đã được học tiếng nói, chữ viết tiếng mẹ đẻ của mình. Lần đầu tiên được biết mặt những con chữ mà hàng ngày vẫn nói, các em rất thích thú. Chỉ sau một học kỳ, các em đã viết được những nét cơ bản và đọc được những chữ đơn giản.
Với kinh nghiệm gần 30 năm dạy tiếng Chăm cho học sinh tiểu học, cô giáo Đàng Thị Sơn trường Tiểu học Vĩnh Thuận, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận cho biết: Chữ Chăm khó học vì nhiều nét, nhưng với tình yêu dành cho ngôn ngữ dân tộc mình, cô cố gắng tìm ra phương pháp giảng dạy dễ nhớ, dễ hiểu nhất cho học sinh. Cùng với đó, sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy tiếng Chăm ngày càng được hoàn thiện đã giúp công việc giảng dạy ngày càng thuận lợi, hiệu quả hơn.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục, tiếng Chăm đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông 45 năm. Hiện nay, các trường Tiểu học trong vùng đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều được giảng dạy tiếng Chăm từ 3-4 tiết/tuần mỗi lớp. Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đều được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đối với vùng đồng bào dân tộc Raglai, từ năm học 2021 – 2022, các em học sinh lớp 1 bắt đầu được học tiếng Raglai, sau khi bộ chữ viết tiếng Raglai được cấp có thẩm quyền công nhận. Đến năm học 2022-2023, sách giáo khoa tiếng Raglai lớp 2 cũng đã được ban hành.
Tiết học tiếng Raglai, trường Tiểu học Phước Thành A, huyện Bác Ái, Ninh Thuận.
Là giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy tiếng Raglai, cũng là người tham gia biên soạn sách giáo khoa tiếng Raglai, cô Chamaléa Thị Khuyên, trường Tiểu học Phước Thành A, Bác Ái, Ninh Thuận rất tự hào và phấn khởi. Bởi từ đây, chữ Raglai sẽ được phổ biến rộng rãi, qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Raglai hiệu quả hơn.
Qua thống kê, hiện nay tỷ lệ học sinh dân tộc Chăm và Raglai chiếm khoảng 24% tổng số học sinh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Việc giảng dạy tiếng Chăm và Raglai trong trường học giúp các em thêm tự hào, tự tôn dân tộc và có ý thức tham gia bảo tồn tiếng nói của dân tộc mình.
Mỗi cộng đồng dân tộc đều có ngôn ngữ riêng của mình. Do đó, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số cũng là góp phần bảo tồn sự đa dạng của văn hóa Việt Nam. Có thể thấy rằng, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã dành sự quan tâm, hành động quyết liệt bằng những việc làm cụ thể nhằm bảo tồn tiếng nói các dân tộc thiểu số. Với những nỗ lực bảo tồn tiếng nói các dân tộc thiểu số, mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng dân tộc sẽ nhận thức rõ hơn và nêu cao vai trò tự thân trong giữ gìn tiếng mẹ đẻ của mình, góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn hóa các dân tộc Việt Nam./.