Thách thức từ vấn đề già hóa dân số

Trong một báo cáo công bố vào đầu năm 2023, Ủy ban các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc xác định “già hóa dân số” là một xu hướng mang tính toàn cầu. Con người sống lâu hơn nhờ những bước tiến vượt bậc về y tế, điều trị y khoa, tiếp cận giáo dục và giảm tỷ lệ sinh. Ước tính thế giới hiện có trên 761 triệu người từ 65 tuổi trở lên, con số này dự kiến tăng lên 1,6 tỷ người vào năm 2050. Số người từ 80 tuổi trở lên trên thế giới cũng tăng nhanh chóng.

 Nhân viên y tế chăm sóc người già tại một trung tâm dưỡng lão ở  Nhật Bản. – Ảnh tư liệu: Kiều Giang.

Tại Nhật Bản – quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới, tỷ lệ người dân trong độ tuổi trên 65 chiếm tới gần 30% dân số với 36,23 triệu người. Số liệu công bố mới nhất của Bộ Nội vụ Nhật Bản ngày 17/9 vừa qua cũng cho thấy, số người trong độ tuổi trên 75 ở nước này lần đầu tiên vượt mốc trên 20 triệu người. Số người từ 80 tuổi trở lên ở Xứ sở Mặt trời mọc có khoảng 12,59 triệu người. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ người trên 80 tuổi ở nước này vượt ngưỡng 10% trong tổng dân số.

Trong khi đó, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản tiếp tục giảm trong nhiều năm qua. Tại một ngôi làng ở miền Trung Nhật Bản, thậm chí chỉ có một em bé được sinh ra trong vòng 25 năm. Đây được coi là một “phép màu” đối với những người cao tuổi ở trong làng.

Tại Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á cũng đang lâm vào cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng sâu sắc sau khi dữ liệu mới cho thấy số trẻ sinh ra trong năm 2022 ở mức thấp kỷ lục. Theo số liệu mà Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 22/2/2023, chỉ có 249.000 trẻ được sinh ra vào năm 2022, giảm 4,4% so với năm 2021 và là năm thứ ba liên tiếp số ca tử vong vượt quá số ca sinh.

Tại Trung Quốc, lần đầu tiên sau hơn 60 năm, quốc gia với hơn 1,4 tỷ người chứng kiến sự sụt giảm dân số trong năm 2022, mở màn giai đoạn khủng hoảng dân số cho quốc gia vốn dựa vào nguồn nhân lực đông đảo cho phát triển kinh tế.

Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

Dân số toàn cầu già đi đồng nghĩa nhu cầu an sinh xã hội với người cao tuổi ngày càng tăng. Trong khi, thực tế chi tiêu công ở hầu hết các quốc gia không đủ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng tăng ở nhóm người cao tuổi.

Dân số già nhanh đồng nghĩa với việc có ít người trong độ tuổi lao động hơn trong nền kinh tế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn về nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, có một thực tế đáng buồn khác là người cao tuổi, nhất là phụ nữ lớn tuổi, có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Sự gia tăng nhanh chóng của dân số cao tuổi đặt gánh nặng chăm sóc lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình, gây ra trạng thái căng thẳng và mức độ căng thẳng có thể biểu hiện ở hành vi ngược đãi người cao tuổi.

Các nước nỗ lực cải thiện cơ cấu dân số già

Có một xu thế đảo ngược ở Hàn Quốc, đó là số lượng cơ sở chăm sóc trẻ em ở nước này giảm còn cơ sở dành cho người cao tuổi lại tăng. Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, trong năm 2017, có hơn 40.000 cơ sở chăm sóc trẻ em nhưng tính đến cuối năm ngoái, con số đó đã giảm xuống còn khoảng 30.900 cơ sở. Trong khi đó, trong bối cảnh dân số già đi nhanh chóng, số lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi đã tăng vọt từ 76.000 vào năm 2017 lên 89.643 vào năm 2022.  Hãng thông tấn Yonhap cũng dẫn số liệu từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước phải đóng cửa do thiếu trẻ em trong độ tuổi đến trường.

 Nhờ những tiến bộ về y tế và đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn, tuổi thọ của người dân các nước có xu hướng tăng lên. – Ảnh minh họa: Yonhap.

Vào tháng 9/2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, Chính phủ nước này đã chi hơn 200 tỷ USD để cố gắng tăng dân số trong 16 năm qua. Nhưng cho đến nay tỷ lệ sinh ở nước này vẫn chưa được cải thiện và những tác động từ tình trạng già hóa dân số ngày càng rõ rệt trong kết cấu xã hội và cuộc sống hàng ngày.

Nhằm cải thiện tình trạng dân số già, vào năm 2016, Trung Quốc đã bỏ chính sách một con và cho phép mỗi gia đình có 2 con, do lo ngại tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động. Đến tháng 5/2021, Trung Quốc cho phép mỗi gia đình có tối đa 3 con và 2 tháng sau đó dỡ bỏ mọi giới hạn. Tuy nhiên, cơ cấu dân số vẫn chưa có nhiều thay đổi khiến chính quyền nhiều địa phương tìm cách để thúc đẩy tỷ lệ sinh.

Mới đây, Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn yêu cầu tất cả các tỉnh thực hiện theo danh sách các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cơ bản, dựa trên các yếu tố như mức độ phát triển kinh tế và xã hội và tình hình tài chính. Các dịch vụ bao gồm hỗ trợ vật chất, điều dưỡng và chăm sóc. Các tỉnh phải cung cấp dịch vụ thăm nom và chăm sóc người già neo đơn và các gia đình gặp khó khăn về tài chính.

Thực tế cho thấy, các nhà dưỡng lão đắt đỏ nằm ngoài tầm với của nhiều người già, trong khi các cơ sở chăm sóc công cộng thường không phù hợp với điều kiện sống, để lại một khoảng trống trên thị trường về nơi ở dành cho người về hưu chất lượng với giá cả phải chăng. Tân Hoa Xã cho biết các cơ sở chăm sóc người cao tuổi mới được xây dựng sẽ được thực hiện theo tiêu chuẩn của chính phủ, trong khi các cơ sở cũ sẽ được cải tạo để mang lại môi trường an toàn, thuận tiện và thoải mái.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đưa ra nhiều chính sách để cải thiện tình trạng già hóa dân số. Chính sách khuyến khích kết hôn được triển khai rộng rãi ở tất cả các địa phương trên toàn quốc. Chính sách khuyến khích mang thai và sinh đẻ được chia làm hai mảng chính: hỗ trợ điều trị vô sinh và hỗ trợ không gián đoạn trong quá trình mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ.

Để hỗ trợ nam, nữ cân bằng giữa công việc ở công sở và việc gia đình, Nhật Bản áp dụng chế độ nghỉ chăm sóc con nhỏ dành cho cả nam lẫn nữ. Trong đó, nữ có thể nghỉ trước khi sinh 8 tuần, cả nam và nữ đều có thể nghỉ phép sau sinh 1 năm, được hưởng 67% lương. Nhật Bản đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ nam giới nghỉ phép để nuôi con nhỏ sẽ đạt 30%. Ngoài ra, Nhật Bản còn thực hiện các chương trình hỗ trợ chăm sóc trẻ nhỏ, hỗ trợ về kinh tế cho các gia đình có nhiều con,…

Tại Việt Nam, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài khoảng hơn 20 năm, từ năm 2036 – 2055. Sau giai đoạn này, từ năm 2056 – 2069, Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số “siêu già”, tương ứng với tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 21%.

Đứng trước nguy cơ “già trước khi giàu”, Việt Nam đã và đang tính đến những nhiệm vụ, giải pháp, điều kiện thích ứng với dân số già. Bài học kinh nghiệm và thực tiễn từ các nước sẽ là nguồn “tư liệu tham khảo” quý báu, giúp Việt Nam đưa ra những biện pháp cụ thể để ứng phó với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra./.

Theo dangcongsan.vn