Tô cam hưởng ứng 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới. – Ảnh: UN Women. |
Ngày 25/11 hàng năm được Liên hợp quốc lấy là “Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Ngày này được Liên hợp quốc chính thức công nhận vào năm 1999, với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn nạn bạo lực từ đó, thúc đẩy các hành động để chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Bạo lực phụ nữ và trẻ em gái là nỗi ô nhục đối với toàn nhân loại
Nhân ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái năm nay (25/11/2024), Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đưa ra lời nhắc nhở nghiêm khắc về nạn bạo lực đang diễn ra đối với phụ nữ và trẻ em gái, gọi đó là sự ô nhục sâu sắc đối với nhân loại. Qua đó, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về hành động toàn cầu để chặn đứng tình trạng bạo lực này.
“Dịch bệnh bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là nỗi ô nhục đối với nhân loại… Mỗi ngày, trung bình có 140 phụ nữ và trẻ em gái bị giết bởi chính người trong gia đình họ. Khoảng 1/3 phụ nữ vẫn phải chịu bạo lực thể xác hoặc tình dục. Không có quốc gia hay cộng đồng nào không bị ảnh hưởng” – ông Guterres nói.
Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu ý rằng, tình hình đang trở nên tồi tệ hơn, trầm trọng hơn do các cuộc khủng hoảng toàn cầu về xung đột, khí hậu và nạn đói. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh về tình trạng sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh và làn sóng căm ghét phụ nữ trực tuyến đang gia tăng đáng lo ngại.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến và lan rộng nhất trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, trên phạm vi toàn thế giới, có đến 1/3 phụ nữ phải chịu bạo lực thể xác và/hoặc tình dục từ bạn tình, bạo lực tình dục không phải từ bạn tình hoặc cả hai, ít nhất một lần trong đời.
Trong khi đó, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cũng chỉ ra rằng, có 736 triệu phụ nữ đã phải chịu bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục ít nhất một lần trong đời. Hầu hết bạo lực đối với phụ nữ đều do chồng hiện tại, chồng cũ hoặc bạn tình gây ra. Hơn 640 triệu phụ nữ từ 15 tuổi trở lên (26%) đã phải chịu bạo lực do bạn tình gây ra.
Phụ nữ bị bạo lực có nhiều khả năng phải đối mặt với những hậu quả lâu dài như trầm cảm, rối loạn lo âu, mang thai ngoài ý muốn, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và HIV, với hậu quả lâu dài.
Phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị giết tại nhà cao hơn – chiếm 55% trong số tất cả các vụ giết người ở phụ nữ đều do bạn tình hoặc thành viên gia đình gây ra vào năm 2022, trong khi chỉ có 12% trong số tất cả các vụ giết người ở nam giới do thành viên gia đình gây ra. Thậm chí phụ nữ cũng không được an toàn khi ở bên ngoài nhà của họ khi thường là mục tiêu của các hành vi bạo lực cố ý, cả trực tuyến và ngoại tuyến, một số dẫn đến tử vong và giết người cố ý.
Các nghiên cứu cho thấy từ 16 đến 58% phụ nữ trên toàn cầu phải chịu bạo lực giới được thúc đẩy bởi công nghệ, với phụ nữ trẻ bị ảnh hưởng đặc biệt, trong đó Thế hệ gen Z và Thế hệ gen Y bị ảnh hưởng nhiều nhất. Phụ nữ trong xung đột, chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn, với 70% trong số họ phải chịu bạo lực giới.
Cần hành động khẩn cấp vì công lý
Một cuộc tuần hành tại Pháp nhằm phản đối tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. – Ảnh: Glamour. |
Chìa khóa tháo gỡ vấn đề này nằm ở các phản ứng mạnh mẽ, buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm và đẩy nhanh hành động thông qua các chiến lược quốc gia có nhiều nguồn lực và tăng tài trợ cho các phong trào vì quyền phụ nữ. Tuy nhiên, đáng báo động là dữ liệu về mức độ các quốc gia cam kết chống lại bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn rất khiêm tốn. Ví dụ, chỉ có 5% viện trợ của chính phủ tập trung vào việc giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, trong khi chưa đến 0,2% được chuyển hướng vào công tác phòng ngừa. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào các tổ chức phụ nữ, luật pháp tốt hơn, truy tố thủ phạm, nhiều dịch vụ hơn cho những người sống sót và đào tạo cho các viên chức thực thi pháp luật.
Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái năm nay sẽ đánh dấu sự ra mắt của chiến dịch UNiTE do Liên hợp quốc phát động (kéo dài từ ngày 25/11 đến ngày 10/12). Năm 2024 đánh dấu 25 năm kể từ khi Liên hợp quốc chỉ định ngày 25/11 là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong 16 ngày hành động (25/11 – 10/12), chiến dịch UNiTE cảnh báo tình trạng đáng báo động của bạo lực đối với phụ nữ theo chủ đề “Cứ 10 phút, một phụ nữ bị giết mà không có lý do. Tham gia UNiTE để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ”. Mục tiêu của chiến dịch UNiTE là nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, đồng thời thu hút sự chú ý của cộng đồng đến tình trạng gia tăng đáng báo động của các hành vi bạo lực đối với phụ nữ, từ đó khôi phục các cam kết, kêu gọi trách nhiệm giải trình và hành động từ những người đưa ra quyết định.
Theo ông Guterres, cùng với sáng kiến Spotlight, sáng kiến UNiTE của Liên hợp quốc hướng tới việc kêu gọi sự chung tay từ tất cả chúng ta nhằm chấm dứt tệ nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở khắp mọi nơi.
“Thế giới phải lắng nghe lời kêu gọi này. Chúng ta cần hành động khẩn cấp vì công lý…” – ông Guterres nói.
Nếu không chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thế giới không thể đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững. Loại hình bạo lực này vẫn là rào cản lớn đối với bình đẳng giới và thách thức các cam kết được đưa ra tại Hội nghị Thế giới lần thứ tư về phụ nữ cùng với việc thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh mang tính tầm nhìn vào năm 1995. Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh bao gồm các biện pháp cụ thể mà các quốc gia có thể thực hiện để chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác và những giải pháp quốc tế. 16 ngày hành động trong khuôn khổ chiến dịch UNiTE là cơ hội để tái khẳng định các cam kết, kêu gọi trách nhiệm giải trình và hành động từ những người ra quyết định, khi thế giới đang tiến gần đến kỷ niệm 30 năm Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh vào năm 2025.
Trong Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ do Đại hội đồng Liên hợp quốc ban hành năm 1993, bạo lực đối với phụ nữ được định nghĩa là “bất kỳ hành vi bạo lực nào trên cơ sở giới gây ra hoặc có khả năng gây ra tổn hại hoặc đau khổ về thể chất, tình dục hoặc tâm lý cho phụ nữ, bao gồm cả các mối đe dọa về các hành vi đó, cưỡng ép hoặc tước đoạt quyền tự do tùy tiện, cho dù ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư”.Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là một thực trạng nhức nhối. Tuy nhiên, phần lớn các hành vi này vẫn chưa được báo cáo do tình trạng luật pháp không được bảo đảm, im lặng, kỳ thị và tâm lý xấu hổ xung quanh vấn đề này. Một số phụ nữ và trẻ em gái, chẳng hạn như những người trong tình huống dễ bị tổn thương hoặc khủng hoảng nhân đạo, người di cư, cộng đồng những người có giới tính đặc biệt, người bản địa hoặc người khuyết tật, phải đối mặt với rủi ro lớn hơn.Các hành vi bạo lực sẽ ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái ở mọi giai đoạn của cuộc đời, bao gồm giáo dục, việc làm và cơ hội. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể biểu hiện dưới các hình thức về thể chất, tình dục và tâm lý, bao gồm:– Bạo lực của bạn tình (đánh đập, lạm dụng tâm lý, hiếp dâm trong hôn nhân, sát hại phụ nữ);– Bạo lực và quấy rối tình dục (hiếp dâm, hành vi tình dục cưỡng bức, gạ gẫm tình dục không mong muốn, lạm dụng tình dục trẻ em, hôn nhân cưỡng bức, quấy rối đường phố, theo dõi, quấy rối trên mạng);– Buôn người (nô lệ, bóc lột tình dục);– Cắt bộ phận sinh dục nữ;– Tảo hôn. |