Những quyết sách lịch sử
Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII họp tại Hà Nội từ 10-12/4. Trong 3 ngày làm việc đầy trách nhiệm và trí tuệ, Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận, phân tích, thông qua hàng loạt nội dung quan trọng, với những quyết sách, cải cách chưa từng có.
Vấn đề sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chính trị; sắp xếp lại các đơn vị hành chính; mô hình tăng trưởng; văn kiện đại hội XIV; đổi mới căn bản cách làm luật và chính sách; công tác cán bộ, nhân sự cấp cao… đã được Ban chấp hành Trung ương bàn thảo, biểu quyết, thống nhất với tỷ lệ cao.
Cấp huyện đã chính thức kết thúc hoạt động, đảng bộ cấp huyện cũng sẽ kết thúc hoạt động; số lượng cấp xã sẽ giảm 60-70%.

Hội nghị Trung ương 11 với nhiều quyết sách chiến lược mở ra mô hình quản trị mới, thể chế mới, không gian phát triển mới, tạo dư địa cho mô hình phát triển mới…
Về tổ chức đơn vị hành chính, Ban chấp hành Trung ương thống nhất cao với chủ trương cả nước sẽ chỉ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là quyết sách chưa từng có, nhằm hướng đến chính quyền địa phương hai cấp, sau sắp xếp bảo đảm việc tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại.
Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính địa phương lần này không chỉ tinh giản bộ máy mà còn mở ra không gian phát triển, bảo đảm tầm nhìn ít nhất là 100 năm.
Cùng với các đơn vị hành chính, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội quần chúng cũng được sắp xếp, hợp nhất. Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể được hợp nhất. Công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang sẽ kết thúc hoạt động, đồng thời giảm mức công đoàn phí cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động.
Trong lĩnh vực tư pháp, sẽ kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân (TAND) và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao và cấp huyện. Hệ thống TAND và VKSND trước đây bốn cấp, nay sẽ chỉ còn ba cấp là tối cao, cấp tỉnh, thành phố và khu vực, giúp tinh gọn tổ chức, tăng tính chuyên môn và hoạt động truy tố, xét xử.
Để khơi thông những điểm nghẽn liên quan đến thể chế, phục vụ quá trình sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và bầu cử Quốc hội khóa XVI, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031…, Ban chấp hành Trung ương đã thống nhất sửa đổi Hiến pháp và nhiều luật quan trọng, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, luật về bộ máy hành chính và tư pháp,…

Hội nghị Trung ương 11: Quyết sách chiến lược với tầm nhìn trăm năm.
Quyết sách chưa từng có khi Ban chấp hành Trung ương quyết định xác lập mô hình phát triển mới, với nền giáo dục hiện đại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chủ yếu và kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Đây là tầm nhìn, bước đi chiến lược, giải pháp căn cơ để khắc phục nguy cơ đất nước bị tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
Hội nghị Trung ương 11 cũng khởi động quá trình chuẩn bị cho Đại hội XIV. Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua nội dung cơ bản các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV; cơ bản thống nhất dự thảo phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; cho ý kiến về giới thiệu nhân sự bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV để Bộ Chính trị xem xét, quyết định theo thẩm quyền; cơ bản thống nhất đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; sửa đổi các quy định về thi hành điều lệ đảng, kiểm tra giám sát kỷ luật đảng…
Mô hình, không gian phát triển mới
Hội nghị Trung ương lần này từ tầm nhìn, định hướng, tư duy về phát triển đến những yêu cầu hoàn thiện về thể chế có mối quan hệ chặt chẽ, logic, thống nhất cao, hướng đến việc kiến tạo, phát triển mô hình mới, quản trị mới, không gian kinh tế – chính trị mới.
Từ những chủ trương, quyết sách của Đảng đến yêu cầu xây dựng pháp luật, tháo gỡ những điểm nghẽn; từ việc xác lập mô hình chính quyền 3 cấp cho đến xác lập mô hình phát triển mới, với nền giáo dục hiện đại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chủ yếu và kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia… tất cả đều được bàn thảo kỹ lưỡng, biểu quyết, thống nhất với tỷ lệ tuyệt đối.
