– Ảnh: Bloomberg/Getty Images.
Theo phân tích toàn cầu được công bố hôm 11/11, cây cối trên thế giới đang trong tình trạng nguy cấp nghiêm trọng, với số lượng lớn các loài cây đang bên bờ tuyệt chủng.
Dự án kéo dài 1 thập kỷ này phát hiện ra rằng hơn 1/3 số loài cây đang bị đe dọa tuyệt chủng, qua đó nhấn mạnh quy mô của cuộc khủng hoảng mà hệ sinh thái của Trái đất đang phải đối mặt.
Báo cáo của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) – được công bố trong hội nghị đa dạng sinh học của Liên hợp quốc kéo dài 2 tuần tại Cali, Colombia – cho thấy trong số 47.282 loài cây được đánh giá, ít nhất 16.425 loài có nguy cơ tuyệt chủng. Con số này cao gấp 2 lần tổng số tất cả các loài chim, động vật có vú, bò sát và lưỡng cư bị đe dọa tuyệt chủng.
Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh đang đe dọa cây cối, các loại thực vật hút ô nhiễm đó ra khỏi bầu khí quyển. Theo đó, sự mất mát của các loài thực vật đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.
Một số mối đe dọa lớn mà cây cối phải đối mặt cũng bao gồm nạn phá rừng, mất môi trường sống do mở rộng nông nghiệp, cả trồng trọt và chăn thả, các loài xâm lấn, dịch bệnh, cũng như mực nước biển dâng cao và bão dữ dội hơn – các nhà nghiên cứu cho biết.
Báo cáo cho thấy “việc mất cây đe dọa trực tiếp đến hàng nghìn loài, thực vật, nấm và động vật khác, chứng minh thế giới tự nhiên của chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ như thế nào” – Grethel Aguilar, Tổng Giám đốc IUCN, cho biết trong cuộc họp báo hôm 11/11 tại Colombia.
Cây dừa bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao tại một bãi biển ở Fiji (Ảnh: NOOR/Redux)
“Cây cối là thước đo sự sống” – bà Aguilar nói thêm. Chúng tạo ra oxy mà con người hít thở, cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho động vật hoang dã, cung cấp thuốc men và dinh dưỡng cho người dân bản địa và hấp thụ ô nhiễm carbon giữ nhiệt từ khí quyển.
Phần lớn các loài cây bị đe dọa được tìm thấy trên các đảo như Fiji, Cuba và Madagascar. Ở Nam Mỹ, nơi có rừng mưa nhiệt đới Amazon, 3.356 trong số 13.668 loài cây được đánh giá có nguy cơ tuyệt chủng do nạn phá rừng để trồng trọt và chăn thả gia súc.
Rừng thường được mệnh danh là lá phổi xanh của Trái đất. Tuy nhiên, những lá phổi ấy đang ngày càng bị bóp nghẹt. Tại Nam Mỹ – nơi sinh trưởng của phần lớn loài cây trên thế giới, có tới 25% số loài phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Trong khi đó, châu Phi với ít loài cây hơn nhưng lại có tới 45% loài được coi là bị đe dọa.
Tại Vườn thực vật Hoàng gia Kew ở ngoại ô thủ London, Anh, những loài cây như phong, bạch dương, tần bì cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn vì biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cho biết cây cối là sinh vật phát triển chậm, nhưng phải vật lộn để thích nghi với sự thay đổi rất nhanh của điều kiện khí hậu. Đợt hạn hán năm 2022 đã khiến hơn 400 cây ở đây chết hàng loạt và dự kiến sẽ còn nhiều cây khác chết vì những tác động của năm khô hạn vẫn tiếp diễn.
Cây cối hiện chiếm hơn 25% số loài trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Liên minh này kêu gọi cần phải hành động ngay để kịp thời ngăn chặn sự suy giảm các loài cây trên toàn cầu.
Theo vtv.vn