Với chủ đề “Tinh thần Bandung cho Chương trình nghị sự 2063 của châu Phi” và “Thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên cho phát triển: Hướng tới sự thay đổi”, những thông điệp, nội dung thảo luận và kết quả của “Diễn đàn Indonesia – châu Phi lần 2” (IAF-2) và “Diễn đàn cấp cao về quan hệ đối tác nhiều bên” (HLF MSP) vừa diễn ra ở Bali, Indonesia (từ ngày 1-3/9) tiếp tục phản ánh những mục tiêu chính và thắp lên động lực mới của hợp tác SCC.
Diễn đàn IMF-2 và HLF MSP tạo động lực cho hợp tác Nam – Nam.
Khai phá tiềm năng châu Phi
Từ lâu nay, Indonesia luôn coi trọng tầm quan trọng chiến lược của châu Phi. Châu Phi được đánh giá là lục địa có tiềm năng phát triển rất lớn, thể hiện qua việc nền kinh tế phát triển ổn định (năm 2023 kinh tế châu Phi tăng trưởng khoảng 4%; cao hơn mức tăng GDP toàn cầu) và được dự báo tiếp tục tăng trưởng khoảng 3,8% trong năm nay. Theo một số dự báo, trong 10 năm tới, châu Phi sẽ phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới và có thể sẽ đảm trách động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa sau thế kỷ XXI.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi dân số trẻ ngày càng tăng (đến năm 2030, dự kiến 42% số thanh niên thế giới tập trung ở châu Phi). Châu Phi còn nắm giữ “chìa khóa” cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu với những mỏ khoáng sản khổng lồ như: lithium, coban, đồng, mangan…Châu Phi có sự đa dạng sinh học, nơi có rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới đóng vai trò như một vùng đệm biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khu vực châu Phi tiếp tục đối mặt với các thách thức như: bất bình đẳng kinh tế và đói nghèo; mất an ninh lương thực; ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu; thiếu hụt cơ sở hạ tầng số; dịch bệnh…
Để tối đa hóa tiềm năng và giải quyết các thách thức, các nước châu Phi đã xây dựng “Chương trình Nghị sự 2063” – làm khuôn khổ tổng thể dẫn dắt sự phát triển của khu vực này trong những thập kỷ tới. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia, ông Pahala N.Mansury, Indonesia và châu Phi có chương trình nghị sự phát triển khá giống nhau do cùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và lợi thế dân số.
Châu Phi có đất đai rộng lớn, khí hậu tốt, là đối tác tiềm năng của Indonesia về thương mại và chuỗi cung ứng trong lĩnh vực thực phẩm như phân bón, nhiên liệu sinh học. Châu Phi chiếm 10% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu và có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt trời, địa nhiệt.
Cả Indonesia và châu Phi đều có trữ lượng khoáng sản quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh; do vậy hai bên có thể hợp tác về chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện và pin xe điện…Trong lĩnh vực y tế, Indonesia và châu Phi đều có nhu cầu cao về thuốc, vaccine, thiết bị y tế. Hiện đã có một số hình thức hợp tác y tế giữa hai bên, như việc vaccine bại liệt do Indonesia sản xuất đã được gửi đến châu Phi.
Thông điệp của Indonesia
Hợp tác SCC là hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm, thực tiễn phát triển; trao đổi nguồn lực, tài nguyên và công nghệ giữa các nước đang phát triển. Hợp tác SCC giữ vai trò quan trọng của quan hệ đối tác toàn cầu cho sự phát triển nói chung và đối với việc đạt Các Mục tiêu Phát triển thiên nhiên kỷ (MDGs) và Các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Mục tiêu chính của hình thức hợp tác này là thúc đẩy tự chủ, tự cường của các nước đang phát triển; nhận biết, đáp ứng nhu cầu của những nước kém phát triển nhất; tạo điều kiện cho các nước tiếp cận, tham gia các hoạt động kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển dài lâu.
Sự tham gia của Indonesia trong hợp tác SCC bắt đầu từ vai trò tiên phong tổ chức Hội nghị Á- Phi lần đầu tiên tại Bandung năm 1955. Kết quả Hội nghị này đã đặt nền móng cho sự đoàn kết và hợp tác giữa các nước đang phát triển. 69 năm sau, khi tổ chức Diễn đàn IAF-2 và HLF MSP, nước chủ nhà Indonesia tiếp tục khẳng định “tinh thần Bandung” với các nguyên tắc, giá trị về quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, áp dụng phổ quát luật pháp quốc tế…
Với tư cách là quốc gia thành viên G-20 và nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia muốn tái cam kết khai phá tiềm năng chiến lược, đặc biệt là mở rộng hợp tác kinh tế với châu Phi; đồng thời chứng minh là đối tác tin cậy giúp các nước châu Phi đạt SDGs.
