clock
Đang Tải...
logo
logo

Lạm phát vẫn phủ bóng kinh tế thế giới

play video25/09/2023 15:03

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nâng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023, song lại hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 trong bối cảnh biện pháp tăng lãi suất nhằm ghìm cương lạm phát đã gây ra những thiệt hại đối với kinh tế. Bức tranh kinh tế thế giới vẫn bị phủ bóng bởi hệ lụy của lạm phát tăng cao, khiến hàng loạt quốc gia, khu vực hạ dự báo tăng trưởng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ảnh minh họa. – Nguồn: Reuters.

OECD dự kiến kinh tế toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2023, cao hơn mức dự báo 2,7% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu vẫn ở mức “dưới trung bình” và giảm còn 2,7% trong năm 2024, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Theo OECD, sau khởi đầu năm 2023 cao hơn dự kiến nhờ giá năng lượng giảm và Trung Quốc mở cửa trở lại, tăng trưởng toàn cầu dự kiến ở mức vừa phải. Tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ đang ngày càng trở nên rõ ràng, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp suy giảm và phục hồi của kinh tế Trung Quốc cũng yếu dần.

Theo nhận định của OECD, suy giảm kinh tế Trung Quốc mạnh hơn dự kiến cũng là một yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã gặp khó khăn sau ba năm Covid-19 cùng với khoản nợ khổng lồ trong lĩnh vực bất động sản. OECD đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc còn 5,1% trong năm 2023 và 4,6% trong năm 2024, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Trong khi đó, dù nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ, song OECD lưu ý, tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể giảm từ mức 2,2% trong năm 2023 xuống 1,3% trong năm 2024.

Ðối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), OECD hạ dự báo tăng trưởng còn 0,6% trong năm nay và 1,1% vào năm 2024, trong bối cảnh kinh tế Ðức gặp khó khăn. Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Eurozone các năm 2023 và 2024, trong đó kinh tế Ðức giảm mạnh kéo đà tăng trưởng của cả khu vực đi xuống. EC nhận định, kinh tế của Eurozone nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung sẽ tiếp tục tăng trưởng, song ở mức thấp hơn dự báo được đưa ra đầu năm nay.

Cụ thể, EC điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2023 xuống 0,8%, từ mức 1,1% được đưa ra hồi tháng 5. Ủy viên Kinh tế EU, ông Paolo Gentiloni cho biết, các nền kinh tế trong khu vực đối mặt với tình hình bất lợi, dẫn đến động lực tăng trưởng yếu hơn so với dự báo đã được đưa ra, hoạt động kinh tế gián đoạn do xung đột tại Ukraine.

Trong khi đó, tại châu Á, OECD nâng mức dự báo tăng trưởng của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, thêm 0,5 điểm phần trăm lên mức 1,8% trong năm 2023, song giảm còn 1,0% vào năm 2024. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại hạ dự báo tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế đang phát triển thuộc châu Á, khi cho rằng các nền kinh tế này đối mặt với rủi ro ngày một tăng, một phần do tác động của lãi suất cao trên toàn thế giới. Nhóm đang phát triển của châu Á bao gồm 46 nền kinh tế mới nổi, là thành viên ADB, từ Kazakhstan ở Trung Á đến Quần đảo Cook ở Thái Bình Dương. Nhật Bản, Australia, New Zealand không thuộc nhóm này.

ADB dự báo, GDP của nhóm các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á có thể tăng 4,7% trong năm 2023, thấp hơn mức dự báo 4,8% đưa ra hồi tháng 4. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức tăng trưởng 4,3% ghi nhận trong năm 2022. ADB nhận định, nguy cơ đối với triển vọng tăng trưởng của 46 nền kinh tế mới nổi ở châu Á ngày một gia tăng. Các nền kinh tế này phải đối mặt nhiều thách thức như tình trạng lãi suất cao, hiện tượng thời tiết El Nino đe dọa an ninh lương thực và các quy định hạn chế xuất khẩu của nhiều nước.

Cuộc chiến chưa kết thúc

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế giá tiêu dùng tăng vọt sau khi xung đột bùng phát tại Ukraine năm 2022. OECD nhận định, lạm phát có thể giảm dần trong năm 2023 và 2024, song vẫn cao hơn mục tiêu mà các ngân hàng trung ương đặt ra tại hầu hết các nền kinh tế. Hiện mức tăng giá tiêu dùng đã hạ dần ở Mỹ và Eurozone, song vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Trong khi đó, giá dầu đã phục hồi trong những tuần gần đây.

Tuần trước, ECB đã tăng lãi suất cơ bản lên mức cao kỷ lục, song phát đi tín hiệu đây có thể là lần tăng cuối cùng. Trong khi đó, FED quyết định giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp kéo dài hai ngày. FED tạm dừng lộ trình tăng lãi suất trong bối cảnh kinh tế bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu giảm tốc, xu hướng lạm phát bán lẻ giảm trên diện rộng và nguy cơ chính sách siết chặt tiền tệ kìm hãm tăng trưởng trong tương lai. Nhiều chuyên gia cho rằng, diễn biến nền kinh tế Mỹ hiện nay là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách của FED thêm một lần “rà phanh” lãi suất. Dù vậy, 12 trong số 19 nhà hoạch định chính sách của FED vẫn ủng hộ một đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay để bảo đảm lạm phát tiếp tục giảm tốc.

Việc tăng lãi suất được cho là có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ. Ngay cả khi lãi suất không tăng thêm, tác động của các đợt tăng trước đó vẫn tiếp tục được ghi nhận ở các nền kinh tế. Thực tế, chi phí đi vay đối với các công ty và hộ gia đình đã tăng, trong khi các điều kiện tín dụng bị thắt chặt. Một số nước ghi nhận tỷ lệ nợ quá hạn và tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán gia tăng. OECD cảnh báo, cuộc khủng hoảng tại các ngân hàng của Mỹ hồi tháng 3 và vụ sáp nhập ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) cho thấy rủi ro vẫn còn và lãi suất cao hơn có thể gây căng thẳng trong hệ thống tài chính.

Cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc, song các ngân hàng trung ương đang đánh giá kỹ lưỡng số liệu kinh tế để đưa ra chính sách phù hợp. Chủ tịch FED Jerome Powell từng nói rằng, các nhà hoạch định chính sách của FED sẽ tiếp tục theo dõi cả số liệu kinh tế và các thách thức tiềm ẩn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Powell tái khẳng định, hạ nhiệt lạm phát vẫn là quyết tâm không đổi của FED, đồng thời phát đi tín hiệu rằng ngân hàng này để ngỏ khả năng có thêm ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Các nhà đầu tư đang trông chờ “cú huých” cuối cùng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Theo nhandan.vn

CAM NANG CHUYEN DOI SO
SERI KY SU - DOC DAO NUOC TROI
NINH THUAN TAM NHIN VA KHAT VONG
NUI CHUA KHO BAO THIEN NHIEN