Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Iraq, bà Jeanine Hennis-Plasschaert, ngày 2/2, đã kêu gọi giới chính trị Iraq tận dụng tình hình hiện nay để chấm dứt chu kỳ bất ổn kéo dài.

 Đụng độ bên trong khuôn viên Cung điện Chính phủ ở thủ đô Baghdad, Iraq, ngày 29/8/2022. – Ảnh: AP.

Trước Hội đồng Bảo an, bà Jeanine Hennis-Plasshchaert cho biết ghi nhận những diễn biến tích cực gần đây tại Iraq, chẳng hạn như việc bổ nhiệm chính phủ mới cách đây 3 tháng, chấm dứt hơn một năm căng thẳng và bất hòa chính trị. Theo Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Iraq, điều này cho thấy quyết tâm của nước này trong việc giải quyết những thách thức cấp bách.

Tuy nhiên, bà Jeanine Hennis-Plasshchaert cũng đồng thời cảnh báo, để đạt được thay đổi có ý nghĩa sẽ cần thời gian, vì điều này chỉ có thể xảy ra thông qua thay đổi cấu trúc đòi hỏi cải cách kinh tế xã hội mang tính hệ thống, thể chế mạnh hơn và quản trị tốt hơn ở tất cả các cấp. Đại diện của Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng tất cả những điều này “vẫn là trách nhiệm chung của các đảng chính trị và các chủ thể khác, những người phải ưu tiên trên hết cho lợi ích của đất nước”.

Ngày 13/10/2022, Quốc hội Iraq đã bầu ông Abdul Latif Rashid, 78 tuổi, người Kurd trở thành Tổng thống, thay thế ông Barham Saleh. Tân Tổng thống Iraq đã nhanh chóng bổ nhiệm chính trị gia Hồi giáo dòng Shiite – ông Mohammed Shia al-Sudani vào vị trí Thủ tướng.

Cuộc bỏ phiếu này là diễn biến tích cực với nhiều người Iraq, sau một năm đầy biến động và bất ổn, bắt nguồn từ mâu thuẫn chính trị gay gắt giữa giáo sĩ Moqtada al-Sadr và các đảng dòng Shiite do Iran hậu thuẫn. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 10/2021, đảng của ông al-Sadr giành được nhiều ghế nhất với 73/329 ghế tại Quốc hội. Tuy nhiên, chính khách 48 tuổi đã rút tất cả các nghị sĩ của mình khỏi Quốc hội hồi tháng 6 sau khi thất bại trong việc thành lập chính phủ. Căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng Shiite đã khiến Iraq không thành lập được chính phủ mới, do không hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết tại Quốc hội để bầu tổng thống mới. Vào tháng 8/2022, sau khi al-Sadr tuyên bố sẽ rút lui khỏi chính trường, những người ủng hộ giáo sĩ này đã biểu tình, xông vào Vùng Xanh, nơi có nhiều tòa nhà chính phủ và cơ quan ngoại giao. Cuộc xung đột giữa những nhóm Hồi giáo dòng Shiite đối nghịch đẩy thủ đô Baghdad rơi vào hỗn loạn. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại Iraq kể từ khi cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu lật đổ chính quyển của Tổng thống Saddam Hussein vào năm 2003 và đánh dấu khoảng thời gian dài nhất đất nước không có chính phủ kể từ cuộc bầu cử đầu tiên do Mỹ hậu thuẫn năm 2005.

Theo Statista, một cơ sở dữ liệu toàn cầu, khoảng 209.000 thường dân Iraq đã thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh hoặc xung đột bạo lực từ năm 2003 đến năm 2021. Khoảng 9,2 triệu người Iraq trở thành người tị nạn hoặc buộc phải rời bỏ đất nước của họ./.

Theo dangcongsan.vn