Dáng đứng Việt Nam
Không phải chỉ có mùa Xuân mới nghĩ về Đảng ta, nhưng vì Đảng ta với mùa Xuân là sự “hội ngộ” kỳ thú, có những nét rất riêng mang đậm dấu ấn, cốt cách, sức sống của Đảng và dân tộc. Đảng ta ra đời vào Xuân Canh Ngọ năm 1930, không phải ở trong nước mà ở nước ngoài, trong hoàn cảnh bí mật muôn vàn khó khăn; là kết quả của quá trình mười năm chuẩn bị chu đáo về chính trị, tư tưởng, tổ chức của Nguyễn Ái Quốc. Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Đảng ra đời vào mùa Xuân cũng là sự khởi đầu của cách mạng. Mà cách mạng muốn thắng lợi thì trước hết phải có Đảng để lãnh đạo, tổ chức dân chúng trong nước và đoàn kết với các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Như vậy tính tất yếu đòi hỏi khách quan sự lãnh đạo của Đảng, mà Đảng lại ra đời vào mùa Xuân cho thấy sự mở đầu, khởi đầu đúng quy luật thiên nhiên và xã hội, mang hơi thở, sức sống mới, sinh khí mới.
Mùa Xuân đem lại cho thiên nhiên muôn loài nguồn nhựa sống, cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở, báo hiệu cuộc sống tràn đầy niềm tin và hy vọng. Đảng ra đời vào mùa Xuân, thì chính Đảng là mùa Xuân của đất nước, của xã hội, của con người, của dân tộc. Đúng như vậy. Dù chỉ “như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/Không quê hương sương gió tơi bời” (thơ Tố Hữu), nhưng “một hòn máu đỏ nên người hôm nay” (thơ Tố Hữu). Đảng ta trải qua 94 mùa Xuân, trong đó hàng chục mùa Xuân hàng trăm ngàn chiến sĩ cộng sản và đồng bào chịu cảnh bị khủng bố, tra tấn, tù đày, lầm than, khổ nhục dưới ách thống trị của bọn thực dân và phong kiến.
Chỉ từ sau thắng lợi của Cách mạng mùa Thu năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng ta và dân tộc mới có được những mùa Xuân tươi đẹp, đúng nghĩa mùa Xuân của thiên nhiên đất trời. Dân tộc anh hùng cùng Đảng quang vinh dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Bác Hồ vĩ đại, đón Xuân Giáp Thìn năm 2024 với khí thế rồng bày đầy nghị lực và sáng tạo, quyết tâm và đồng tâm, hy vọng và niềm tin để tiếp tục khắc họa “Dáng đứng Việt Nam”, phẩm giá Việt Nam trong bức tranh còn nhiều gam màu đậm nhạt sáng tối đan xen của nhân loại.
|
Ảnh minh họa: Quang Huy.
|
Đảng của dân tộc Việt Nam
Đảng ra đời với tên gọi Đảng Cộng sản Viêt Nam, nhưng sau này trong nhiều bài viết, bài nói, tác phẩm, Bác thường dùng hai từ “Đảng ta”. Xuân Kỷ Sửu năm 1949, với bút danh Trần Thắng Lợi, Người viết bài Đảng ta đăng trên Tập san Sinh hoạt nội bộ, số 13, tháng 1/1949. Bác dùng hai từ “Đảng ta” không phải là nói gọn của tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam mà chứa đựng hàm ý hết sức sâu sắc tỏ rõ bản chất, sứ mệnh, pho lịch sử “bằng vàng” của Đảng.
Theo lý luận Mác-xít, Đảng Cộng sản là Đảng của giai cấp công nhân. Nhưng xuất phát từ hoàn cảnh Việt Nam, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, cách diễn đạt của Bác cho thấy “Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.41); “Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.276). Nói “Đảng của dân tộc, của toàn dân” không phải chỉ trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, mà xuyên suốt cả tiến trình cách mạng, từ dân chủ Nhân dân lên chủ nghĩa xã hội. Khi cả nước thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1961, Người nói: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị. Đảng không lo riêng cho một đồng chí nào hết. Đảng lo việc cho cả nước” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.275).
“Đảng của dân tộc” là sự kế thừa, bổ sung và phát triển học thuyết Mác – Lênin về bản chất giai cấp của Đảng. Đảng Cộng sản thì phải luôn luôn mang bản chất giai cấp công nhân, nhưng bản chất giai cấp công nhân không đồng nghĩa với thành phần vào Đảng chỉ có (hay đa số) là thành phần công nhân. Điều đó không bao giờ có được ở các nước hơn 90% dân số là nông dân như Việt Nam. Theo Bác, bản chất giai cấp công nhân được thể hiện ở chỗ người đảng viên cộng sản đứng vững trên lập trường tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, trung thành với lý tưởng, mục tiêu cách mạng của giai cấp công nhân; quyết tâm, một lòng một dạ phục vụ giai cấp và Nhân dân. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng là Đảng phải hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo toàn dân giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Bác Hồ chỉ rõ: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.289).
Hai từ “Đảng ta” không chỉ nói đến cơ sở xã hội của Đảng là toàn dân tộc, hàng triệu đảng viên ở các cấp chính quyền, ở bộ đội, xí nghiệp, trường học, nông thôn, Đảng đều liên hệ chặt chẽ với quần chúng như chân tay ruột thịt, mà một điều quan trọng có ý nghĩa sâu xa là Đảng “bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng mỗi đồng bào ta” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.402). Nói đến “Đảng ta” cần phải hiểu “hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của Nhân dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.402). Nói đến “Đảng ta”, một Đảng vĩ đại tức là Đảng phải quan tâm, chăm lo đời sống của Nhân dân. “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.518).
Trong bài Đảng ta, đề cập đến sự ra đời của Đảng, Bác viết “Thế là Đảng ta chân chính thành lập” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.3). Những từ “chân chính”, “vĩ đại” thường được Bác dùng khi viết về Đảng ta như một hằng số để khẳng định Đảng ta chỉ có một mục đích duy nhất là phấn đấu vì quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc nhân dân, lãnh đạo xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Người viết: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của Nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.402). Nói đến Đảng ta là nói đến lịch sử vẻ vang của Đảng với sự gan góc, dũng cảm, kiên cường, có đường lối đúng đắn, sáng suốt, trí tuệ, bản lĩnh, lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Xuân Canh Tý năm 1960, nhân Đảng ta tròn 30 mùa Xuân, Bác viết:
“Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,
Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi, biết bao nhiêu tình
Đảng ta là đạo đức, là văn minh,
Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no.
Công ơn Đảng thật là to,
Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”.
Đảng ta – với sự vĩ đại và tính chân chính cách mạng – như nhiều lần Bác chỉ ra, không chỉ thấy ưu điểm mà còn phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình trong việc chống các bệnh chủ quan, hẹp hòi, tham ô, lãng phí, quan liêu, tư ý tiểu khí, thiếu tinh thần trách nhiệm như thế nào? Nếu chưa làm được thì phải làm cho kỳ được. Mỗi đảng viên phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, củng cố lập trường giai cấp vô sản, nắm vững những quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, phải luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể, cần kiệm xây dựng nước nhà, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, một lòng một dạ phấn đấu vì lợi ích tối cao của cách Tổ quốc và Nhân dân.
Với mỗi một người dân Việt Nam yêu nước, Tết đến Xuân về, nghĩ về dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại sẽ mang lại một niềm hứng khởi, một niềm gió mới, một niềm tin mới, sinh khí mới. Bởi vì chỉ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sức mạnh vô dịch của quần chúng, dưới ánh sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh, chúng mới có được những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử như hôm nay, tạo đà bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Bác Hồ muôn vàn kính yêu./.
PGS.TS Bùi Đình Phong
Theo dangcongsan.vn