Bệnh nhân mắc bệnh tả được điều trị tại một bệnh viện ở Hamanskraal, Nam Phi. – Ảnh: AP.

Theo đó, Sở Y tế Gauteng đã dựng lều tạm để điều trị cho những người có triệu chứng mất nước, nôn mửa và tiêu chảy. Bệnh nhân được truyền nước bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch ngay khi đến. Những bệnh nhân nguy kịch được chuyển đến bệnh viện ở Tshwane để được chăm sóc và nhập viện bổ sung.

Số liệu cập nhật mới nhất của  Sở Y tế Gauteng cho thấy, 229 người hiện đang phải điều trị tại bệnh viện do bệnh tả và ít nhất 23 người đã tử vong.

Hiện các cơ quan chức năng tại tỉnh Gauteng – nơi có thủ đô hành chính Pretoria và thành phố Johannesburg lớn nhất Nam Phi – đang triển khai nhiều biện pháp ứng phó có hệ thống, trong đó bao gồm cả việc cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Theo đó, các tàu chở nước uống sẽ cung cấp nước cho người dân ở khu vực Hammanskraal cho đến khi một nhà máy xử lý nước di động có thể được lắp đặt vào tháng 3 năm sau.

Giới chức y tế cũng  kêu gọi người dân tránh ăn và tiếp xúc với thực phẩm, nguồn nước và các bề mặt có hoặc nghi ngờ nhiễm vi khuẩn gây bệnh tả, rửa tay kỹ bằng xà phòng trước khi chế biến thực phẩm hoặc sau khi sử dụng phòng tắm, nhà vệ sinh.

Những ngày qua, dịch tả đã lây lan nhanh tại vùng Hammanskraal (tỉnh Gauteng). Bệnh tả là bệnh truyền nhiễm cấp tính do phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra, lây truyền theo đường tiêu hoá qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn. Bệnh này có thể gây tử vong trong vòng vài giờ nếu không được điều trị.

Nam Phi là quốc gia mới nhất trải qua đợt bùng phát dịch tả sau những các trường hợp tử vong ở nước láng giềng Zimbabwe và Malawi trong năm nay. Vào tháng 2/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các ca bệnh tả ở châu Phi đang gia tăng theo cấp số nhân trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu. Ít nhất 12 quốc gia châu Phi đã báo cáo dịch tả bùng phát trong năm nay.

Tại nước láng giềng Zimbabwe, giới chức y tế nước này đã xác nhận 9 trường hợp tử vong vì bệnh tả và hơn 1.400 trường hợp nghi mắc tả kể từ tháng 2/2023. Trong khi đó, giới chức Malawi đầu năm nay cho biết, nước này  ghi nhận hơn 1.000 người  chết trong một đợt bùng phát lan rộng bắt đầu vào tháng 3 năm 2022. WHO cho biết, đây là đợt bùng phát dịch tả tồi tệ nhất ở Malawi trong 20 năm qua với hơn 36.000 trường hợp mắc bệnh/.

Theo dangcongsan.vn