Sau 9 năm trường kỳ chiến đấu gian khổ, ác liệt với bao hy sinh, mất mát, Hà Nội đã trở lại với vị thế, tầm vóc Thủ đô của nước Việt Nam.
Màn thực cảnh “Ngày về chiến thắng” tái hiện cuộc hành quân lịch sử vào Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954. Đây là kết quả của trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam
Đi lại trên phố Hàng Đào, ông Dương Tự Minh vẫn vẹn nguyên cảm xúc của 70 năm trước.
“Người dân rất mừng rỡ vì bộ đội ta về giải phóng. Lúc đó, hạnh phúc nhất là khi ra đường không còn thấy cái bọn hiến binh, không sợ bị chặn lại để bắt lính”, ông Dương Tự Minh (Thành Đoàn Hà Nội – năm 1954) chia sẻ.
“Được Bác Hồ nói chuyện đây là về tiếp quản Thủ đô, quan trọng lắm. Chúng tôi mới thấy đây là một vinh dự lớn của Trung đoàn Thủ đô. Chiến đấu hy sinh 60 ngày đêm thì bây giờ chúng tôi là những người được hưởng cái vinh dự ấy”, ông Nguyễn Thụ (Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 – năm 1954) cho biết.
Đại đoàn 308 từ Ô Cầu Giấy tiến về tiếp quản Thủ đô trong sáng 10/10/1954. – Ảnh tư liệu.
Cửa Bắc thành Hà Nội còn lưu dấu 2 vết đạn thần công của Pháp khi chiếm thành Hà Nội. Dấu ấn thương đau khi Hà Nội rơi vào tay người Pháp.
Ngày 10/10/1954, các đơn vị tham gia tiếp quản Thủ đô đã tập trung về đây dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức.
“Có tiếng còi vang lên và chúng tôi ngước lên thành Cửa Bắc, thấy cờ của ta đã kéo lên. Bao nhiêu năm ở trong thành phố Hà Nội chỉ có cờ của Pháp, bây giờ cờ của ta bắt đầu xuất hiện. Rất tuyệt vời”, Đại tá Bùi Gia Tuệ (Trung đoàn, Đại đoàn 308 – năm 1954) kể lại.
Lễ chào cờ đầu tiên ngay sau khi Hà Nội được giải phóng diễn ra tại sân Hoàng Thành Thăng Long. Hòa bình lập lại sau hơn 8 năm Hà Nội bị tạm chiếm. Sự kiện mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.
“Kết thúc chiến tranh nó có 2 sự kiện cực kỳ quan trọng: một là thắng ở chiến trường và hai là giành lại Thủ đô. Do đó sự kiện 10/10 là biểu tượng đỉnh cao của chiến thắng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, mà nói rộng ra, nó còn là khát vọng của gần một thế kỷ dân tộc Việt Nam đã ước mong ngày đó. Bởi chúng ta mất chủ quyền từ cuối thế kỷ 19”, GS.TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định.
Tiếp quản Thủ đô, cuộc chuyển giao quyền lực mang tính hòa bình giữa ta và Pháp. Kể từ mùa đông năm 1946, phố phường thành trận địa. Sau hơn 8 năm, người Hà Nội mới lại được tự do khi Thủ đô giải phóng.
Sau ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội, nhân dân lao động làm chủ vận mệnh của mình, bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là sự nghiệp cách mạng vẻ vang của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội.
Phát huy khí thế hào hùng của những ngày tháng lịch sử, giờ đây Hà Nội đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ để xứng đáng là Thủ đô – trái tim của cả nước.
Theo vtv.vn