clock
Đang Tải...
logo
logo

Nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh tâm huyết với văn hóa, văn nghệ Raglai

play video08/09/2024 08:49

Giữ chức vụ Trưởng Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), dù bận rất nhiều công việc, nhưng nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh vẫn luôn miệt mài nghiên cứu, sưu tầm, tìm lại những bài nhạc cổ, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, ngày càng nhiều người trẻ ở xã Phước Hà thêm yêu và biết sử dụng thuần thục mã la, chapi cùng nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai.

Nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh truyền dạy cho thế hệ trẻ cách đánh mã la.

Lo lắng về sự mai một của nhạc cụ truyền thống dân tộc mình, nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh ở thôn Rồ Ôn, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận đã dành nhiều thời gian, công sức để sưu tầm các bài nhạc cổ của người Raglai do ông bà để lại để nghiên cứu và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cứ mỗi cuối tuần, nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh hướng dẫn, chỉ dạy đội văn nghệ thôn Rồ Ôn luyện tập đánh mã la và các nhạc cụ khác. Từ ngày đầu còn bỡ ngỡ chưa biết cách cầm, cách đánh mã la, giờ đây, những người trẻ ở địa phương đã đánh thành thạo nhiều bài nhạc cổ và phân biệt các bài nhạc phù hợp với từng lễ, hội.  Anh Ba Rá Thừa ở thôn Rồ Ôn, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam chia sẻ: Được nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh hướng dẫn đội văn nghệ chúng tôi sử dụng các nhạc cụ, trong đó có nhạc cụ mã la, là một trong những nhạc cụ rất quan trọng trong đời sống văn hóa cũng như là đời sống tâm linh của người Raglai. Thế hệ trẻ chúng tôi rất thích thú, rất vui mừng và mong muốn được đón nhận nhiều bài hơn nữa của các nghệ nhân”.

Nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh hướng dẫn cách sử dụng đàn chapi.

Tâm huyết, đam mê với văn hóa Raglai, nên dù bận rộn với vai trò Trưởng Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân huyện Thuận Nam, Nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh vẫn luôn sắp xếp công việc, dành nhiều thời gian tham gia các lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc tại địa phương. Từ nỗ lực của ông, đến nay, xã Phước Hà đã lưu giữ được trên 30 bộ mã la, thành lập được 5 đội văn nghệ với hơn 100 thành viên tham gia.

Yêu văn hóa dân tộc, nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh được ví như chiếc mã la mẹ ngày ngày giữ nhịp cho các mã la con cất tiếng, làm nên bản hòa âm vang vọng giữa núi rừng quê hương./.

Bài và ảnh: Lê Na – Asah Xuyến

CAM NANG CHUYEN DOI SO
SERI KY SU - DOC DAO NUOC TROI
NINH THUAN TAM NHIN VA KHAT VONG
NUI CHUA KHO BAO THIEN NHIEN