clock
Đang Tải...
logo
logo

Nghịch lý có đường nhưng không thể vận chuyển nông sản

play video11/01/2025 10:24

Tuyến đường tuần tra và tuyến giao thông nội đồng ven kênh cấp 1 của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ chạy qua khu vực sản xuất của xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận chỉ giới hạn tải trọng tối đa 5 tấn. Giới hạn tải trọng này như khóa chân người nông dân. Bởi vì, họ không thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất và vận chuyển nông sản. Có đường nhưng không thể đi nên vụ mía năm nay, nông dân xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận phải tốn thêm hàng tỷ đồng để trung chuyển mía.

Giới hạn tải trọng tuyến đường tối đa 5 tấn, nông dân xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn phải thuê máy cày trung chuyển mía ra bên ngoài.

Tuyến kênh cấp 1 chạy sát 4 ha mía của bà Hồ Thị Điểm ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn giới hạn tải trọng qua tuyến kênh chỉ có 2.5 tấn nên khi thu hoạch mía bà đành phải thuê máy cày để trung chuyển ra ngoài đường lớn. Chi phí trung chuyển mía chiếm hơn 20% lợi nhuận. Nhưng đây là cách duy nhất để bà Hồ Thị Điểm đưa mía ra khỏi ruộng. Bà Hồ Thị Điểm cho biết: “Nông dân chúng tôi làm ra được một tấn mía rất là khổ, giờ đây phải vận chuyển mía ra ngoài kia lại càng khổ hơn. Từ khi có con đường kênh này thì không vận chuyển mía được, vì giới hạn tải trọng chỉ có 2.5 tấn nên xe lớn không vô tới ruộng được, nên phải thuê máy cày trung chuyển rất là tốn kém, phải thuê máy cạp mía lên máy cày là 60 ngàn/tấn,  rồi vận chuyển một đoạn ra kia là 120 ngàn/tấn nữa rồi đổ xuống và tiếp tục thuê xe lớn vận chuyển tổng cộng là 240 ngàn/tấn, hết sức tốn kém cho nông dân chúng tôi”.

Do thiết kế các tuyến đường chỉ giới hạn tải trọng từ 2.5-5 tấn, vì vậy nông dân không thể đưa máy móc vào sản xuất, đặc biệt là trong vận chuyển nông sản. Hiện có khoảng 350 ha mía, với sản lượng khoảng 24 ngàn tấn của nông dân xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn đang được hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Tuy nhiên, việc thiết kế, xây dựng các tuyến đường đảm bảo tải trọng để vận chuyển nông sản lại chưa được tính đến. Hiện doanh nghiệp chỉ hỗ trợ 80 ngàn đồng/tấn vận chuyển mía từ ruộng về nhà máy nên chi phí phát sinh từ việc trung chuyển mía nông dân phải chịu.

Từ câu chuyện trên cho thấy việc đầu tư thủy lợi và hạ tầng giao thông cần phải đảm bảo đồng bộ để phù hợp với yêu cầu phục vụ sản xuất và vận chuyển nông sản của người dân. Có như thế mới phát huy tối đa hiệu quả công trình sau đầu tư./.

Bài và ảnh: Công Phong

CAM NANG CHUYEN DOI SO
SERI KY SU - DOC DAO NUOC TROI
NINH THUAN TAM NHIN VA KHAT VONG
NUI CHUA KHO BAO THIEN NHIEN