clock
Đang Tải...
logo
logo

Nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ tầng ozon

play video07/10/2024 08:48

Sau 30 năm tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozon (ô-dôn), Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon, Việt Nam đã nỗ lực triển khai đồng bộ về cơ chế, chính sách, giải pháp để quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon và bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ.

(Ảnh minh họa)

– Ảnh minh họa.

Tầng ozon là một lớp trong tầng bình lưu của Trái đất, đóng vai trò như một tấm lọc của khí quyển Trái đất, chặn đến 99% các bức xạ tia cực tím từ Mặt trời, giúp cho bề mặt Trái đất cũng như các sinh vật sống hạn chế tối đa các bức xạ nguy hiểm.

Nếu tầng ozon bị thủng, một lượng lớn tia tử ngoại sẽ chiếu thẳng xuống Trái đất, con người có nguy cơ mắc bệnh ung thư da; các thực vật, sinh vật dưới biển sẽ bị mất dần khả năng miễn dịch, bị tổn thương và chết dần.

Năm 1985, các nước đã thông qua Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozon. Ðây là khuôn khổ pháp lý quốc tế đầu tiên về bảo vệ tầng ozon, mở đường cho các nước triển khai hành động mạnh mẽ cắt giảm triệt để các chất làm suy giảm tầng ozon. Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon cũng đã được ban hành vào năm 1987, và có hiệu lực từ ngày 1/1/1989.

Sau 30 năm tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã được quốc tế đánh giá là thành viên tích cực và có trách nhiệm cao; nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, đến nay, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn các chất CFC, halon, CTC và HCFC-141b nguyên chất sử dụng trong sản xuất xốp; thực hiện kiểm soát tốt các chất theo quy định của Nghị định thư Montreal. Chất Methyl bromide chỉ còn sử dụng cho mục đích khử trùng.

Ðối với các chất HCFC, HFC vốn phổ biến trong lĩnh vực làm mát, Việt Nam giảm dần sử dụng và loại trừ theo giai đoạn, tiến tới dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040 và loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.

Theo thống kê của Ban Thư ký ozon quốc tế công bố tại kỳ họp tháng 7/2024 vừa qua, Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn CO2 tương đương kể từ khi tham gia.

Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong thập niên đầu tiên tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal (giai đoạn 1994-2004), Việt Nam đã bắt đầu xây dựng và ban hành các quy định quản lý, kiểm soát sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozon; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon.

Giai đoạn 2004-2014, Việt Nam đẩy mạnh công tác bảo vệ tầng ozon bằng việc ban hành nhiều quy định quản lý, văn bản chỉ đạo điều hành để quản lý hoạt động xuất nhập khẩu các chất; kiểm soát thiết bị làm lạnh sử dụng môi chất lạnh CFC; hạn chế thành lập mới hoặc mở rộng sản xuất đối với doanh nghiệp sử dụng chất HCFC.

Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã đạt được bước tiến mạnh mẽ trong bảo vệ tầng ozon với việc thiết lập các quy định quản lý và triển khai.

Năm 2019, Chính phủ đã phê chuẩn tham gia Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal nhằm tăng cường công tác quản lý các chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC) được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon đang dần bị loại bỏ.

Nội dung bảo vệ tầng ozon đã được thể chế, nội luật hóa cam kết quốc tế trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật. Cụ thể, để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NÐ-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Nghị định số 45/2022/NÐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Mới đây, ngày 11/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát tại Quyết định số 496/QÐ-TTg.

Theo đó, nếu thực hiện theo lộ trình, đến năm 2045 Việt Nam sẽ giảm phát thải hơn 11 triệu tấn CO2 tương đương từ việc loại trừ các chất được kiểm soát, chưa kể đến lượng giảm phát thải đạt được thông qua những nỗ lực chuyển đổi công nghệ theo hướng thân thiện với khí hậu và các hoạt động tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả theo lộ trình, Kế hoạch quốc gia, nhất là thực hiện các cam kết trước cộng đồng quốc tế trong nỗ lực bảo vệ tầng ozon, Việt Nam cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, loại trừ chất được kiểm soát, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật; tăng cường kiểm soát xuất, nhập khẩu và việc sử dụng các chất được kiểm soát, trong đó các cơ quan quản lý xuất, nhập khẩu, quản lý thị trường và lực lượng hải quan có vai trò rất quan trọng; hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động chuyển đổi công nghệ sử dụng các chất thân thiện với khí hậu, cải thiện hiệu suất năng lượng của thiết bị làm mát; thúc đẩy thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal; triển khai mô hình áp dụng công nghệ làm mát bền vững, kinh doanh dịch vụ làm mát tại các khu đô thị, khu dân cư, tòa nhà văn phòng, thương mại và công trình công cộng.

Mặt khác, các bộ, ngành liên quan và các địa phương trên cả nước cần triển khai thực hiện tốt Kế hoạch quốc gia quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 496/QÐ-TTg ngày 11/6/2024 nhằm quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát theo lộ trình của Nghị định thư Montreal; phấn đấu đến năm 2045 giảm phát thải 11,2 triệu tấn CO2 từ hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát. Ðồng thời, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để thực hiện hiệu quả các sáng kiến quốc tế, huy động sự hỗ trợ của quốc tế để thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia; xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát theo lộ trình quy định.

Theo nhandan.vn

CAM NANG CHUYEN DOI SO
SERI KY SU - DOC DAO NUOC TROI
NINH THUAN TAM NHIN VA KHAT VONG
NUI CHUA KHO BAO THIEN NHIEN