clock
Đang Tải...
logo
logo

Phát hiện bất ngờ về ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao đơn gần Trái Đất nhất

play video03/10/2024 10:27

Xung quanh ngôi sao lùn đỏ gần Hệ Mặt trời nhất có tên là Barnard, chỉ cách chúng ta 5,96 năm ánh sáng, các nhà thiên văn học đã tìm thấy bằng chứng về một ngoại hành tinh.

Tuy nhiên, nó không chỉ là một ngoại hành tinh. Thế giới hấp dẫn này, được gọi là Barnard b, rất nhỏ, có khối lượng chỉ bằng 37% khối lượng Trái Đất, nhỏ hơn một nửa sao Kim và nhỏ hơn 2,5 lần sao Hỏa.

Lý do khiến nó đặc biệt là bởi các hành tinh nhỏ như vậy rất khó tìm. Mặc dù Barnard b không phải là nơi có sự sống như chúng ta biết nhưng việc phát hiện ra nó, đang đưa chúng ta tiến gần hơn đến việc xác định các thế giới có kích cỡ bằng Trái Đất có thể nằm rải rác ở những nơi khác khắp thiên hà.

phat hien bat ngo ve ngoai hanh tinh quay quanh ngoi sao don gan trai Dat nhat hinh anh 1

Phát hiện này được đưa ra sau những manh mối về tín hiệu hành tinh quay quanh một ngôi sao vào năm 2018. Ngoại hành tinh được cho là có khối lượng gấp khoảng 3 lần Trái Đất, quay ở khoảng cách 0,4 đơn vị thiên văn. Mặc dù bất kỳ hành tinh nào có khối lượng hoặc khoảng cách như vậy vẫn chưa được xác nhận nhưng Barnard b nhỏ hơn đã xuất hiện sau khi các nhà khoa học tiến hành một chiến dịch cẩn thận để quan sát ngôi sao. Hơn nữa, có thể còn có 3 ngoại hành tinh khác ở xa hơn và khó quan sát hơn.

“Ngay cả khi mất nhiều thời gian, chúng tôi luôn tự tin rằng chúng tôi có thể tìm thấy thứ gì đó”, nhà thiên văn học Jonay González Hernández thuộc Viện Vật lý thiên văn Quần đảo Canary ở Tây Ban Nha cho biết.

Ngôi sao Barnard, còn được gọi là GJ 699, rất được các nhà thiên văn học hành tinh quan tâm. Những ngôi sao duy nhất gần Trái Đất hơn là hệ ba sao Centauri. Ngôi sao Barnard không chỉ là một ngôi sao đơn lẻ, giống như Mặt trời mà còn là sao lùn đỏ, loại sao phổ biến nhất trong thiên hà. Nghiên cứu về nó có thể cho chúng ta biết rất nhiều về khu vực lân cận thiên hà của chúng ta và các hành tinh ở đó, các hệ hành tinh xung quanh các ngôi sao đơn và các hệ hành tinh xung quanh các sao lùn đỏ, cũng như mức độ có thể sinh sống được của chúng.

Việc tìm kiếm các ngoại hành tinh nhỏ khó hơn nhiều so với việc tìm kiếm các ngoại hành tinh lớn. Chúng ta tìm thấy các ngoại hành tinh chủ yếu bằng cách xác định tác động của chúng lên các ngôi sao chủ của chúng. Ngoại hành tinh càng lớn thì tác động càng rõ rệt.

“Barnard b là một trong những ngoại hành tinh có khối lượng thấp nhất được biết đến và là một trong số ít ngoại hành tinh có khối lượng nhỏ hơn Trái Đất. Nhưng hành tinh này quá gần ngôi sao chủ, gần hơn cả vùng có thể sinh sống được”, nhà nghiên cứu González Hernández nói. “Ngay cả khi ngôi sao này mát hơn Mặt trời của chúng ta khoảng 2.500 độ, thì nó vẫn quá nóng để duy trì nước ở thể lỏng trên bề mặt”.

Nhưng điều đó không có nghĩa là toàn bộ hệ sao này không thể sinh sống được. Dữ liệu cho thấy manh mối 3 ngoại hành tinh khác có thể đang quay quanh ngôi sao Barnard ở khoảng cách xa hơn Barnard b.

Theo vov.vn

CAM NANG CHUYEN DOI SO
SERI KY SU - DOC DAO NUOC TROI
NINH THUAN TAM NHIN VA KHAT VONG
NUI CHUA KHO BAO THIEN NHIEN