Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences mới đây cho biết sao Hỏa có thể từng là “điểm nghỉ dưỡng” lý tưởng với những bãi cát trải dọc theo một đại dương khổng lồ. Dấu vết của bãi biển này do robot Chúc Dung của Trung Quốc phát hiện, là bằng chứng mới nhất về sự tồn tại của đại dương Deuteronilus hơn 3 tỷ năm trước.
Robot Chúc Dung hạ cánh xuống Utopia Planitia, một trong những bồn địa va chạm lớn và cổ nhất trên sao Hỏa, năm 2021. Kể từ đó, nó đã di chuyển dọc theo bờ biển khô cạn, tìm kiếm dấu hiệu của băng và nước đã bốc hơi.
Hình ảnh mô phỏng nước từng tồn tại trên sao Hỏa. – Ảnh: NASA.
Khi quét khu vực bên dưới bề mặt sao Hỏa bằng radar, Chúc Dung phát hiện các cấu trúc phân lớp chứa trầm tích ven bờ. Giống như bãi biển ở Trái Đất, trầm tích này thường hình thành từ những chất cặn mà thủy triều và sóng biển để lại. “Điều này lập tức thu hút sự chú ý của chúng tôi vì cho thấy nơi này từng có sóng, đồng nghĩa có một bề mặt phân cách động giữa không khí và nước”, Benjamin Cardenas, phó giáo sư địa chất tại Đại học Bang Pennsylvania, cho biết.
Giống như các đại dương nguyên thủy trên Trái Đất, Deuteronilus có thể từng chứa đựng sự sống.
Việc so sánh kỹ hơn với bờ biển Trái Đất giúp nhóm nhà khoa học loại trừ những nguồn gốc khác. Không giống trầm tích hình thành do sông, gió hay hoạt động núi lửa, độ dày và hình dạng của trầm tích mà Chúc Dung phát hiện phù hợp hơn với nguồn gốc ven biển.