Ảnh đồ họa mô tả cách những ngôi sao “quái vật” hình thành. – Ảnh: NSF/AUI/NSF NRAO.
Các nhà thiên văn học vừa ghi lại hình ảnh rõ nét nhất từ trước đến nay về quá trình hình thành của một ngôi sao trẻ khổng lồ.
Điều đặc biệt là ngôi sao trẻ này có khối lượng đang tăng lên với tốc độ đáng kinh ngạc – mỗi năm nặng thêm tương đương 600 Trái Đất.
Sử dụng kỹ thuật quan sát vô tuyến tiên tiến, các nhà khoa học đã theo dõi phân tử amoniac – loại phân tử phổ biến trong không gian giữa các vì sao, để “soi” sâu vào những lớp bụi dày đặc vốn thường che khuất các khu vực hình thành sao. Từ đó, họ thu được dữ liệu quý giá về sự ra đời của ngôi sao mang tên HW2, một “gã khổng lồ sơ sinh” nằm cách Trái Đất khoảng 2.300 năm ánh sáng, tại vùng tạo sao Cepheus A.
Theo trang Space.com, HW2 hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu trong vòng đời của một ngôi sao, nhưng đã có khối lượng lớn gấp 10 đến 20 lần Mặt Trời. Dự báo cho thấy, ngôi sao này có thể tiếp tục tích tụ vật chất để đạt tới kích thước gấp hàng trăm lần Mặt Trời khi quá trình hình thành hoàn tất.
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics tiết lộ rằng, dù có quy mô khổng lồ, HW2 dường như vẫn hình thành theo cách tương tự như Mặt Trời, tức là từ một đĩa vật chất quay quanh lõi trung tâm, với khí và bụi liên tục rơi vào trong. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở tốc độ phát triển vượt trội của nó.