clock
Đang Tải...
logo
logo

Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hướng đến trở thành đô thị thông minh

play video19/09/2024 10:17

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… của tỉnh Ninh Thuận, trong nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chú trọng xây dựng thành phố trở thành đô thị xanh, môi trường an toàn, thân thiện, từng bước trở thành đô thị thông minh, đến nay, đã đạt được những kết quả tích cực. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Châu Thị Thanh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, Bí thư Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm.

Đầu tư phát triển đô thị và du lịch ven biển với nhiều tiện ích và môi trường trong lành đang tạo nên sự khác biệt để thành phố Phan Rang - Tháp Chàm từng bước trở thành đô thị thông minh (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Đầu tư phát triển đô thị và du lịch ven biển với nhiều tiện ích và môi trường trong lành đang tạo nên sự khác biệt để thành phố Phan Rang – Tháp Chàm từng bước trở thành đô thị thông minh. – Ảnh: NGUYỄN TRUNG.

Tạo giá trị khác biệt

Phóng viên: Đại hội Đảng bộ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 có đề ra xây dựng thành phố trở thành đô thị xanh, môi trường an toàn, thân thiện, từng bước trở thành đô thị thông minh. Vậy, đồng chí có thể cho biết, đến thời điểm này đã đạt được kết quả như thế nào?

Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hướng đến trở thành đô thị thông minh ảnh 1

Bí thư Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm Châu Thị Thanh Hà.

Đồng chí Châu Thị Thanh Hà: Trên nền tảng đoàn kết, sáng tạo, hội nhập và phát triển, Đảng bộ thành phố tập trung mọi nguồn lực để triển khai Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050, nâng cao chất lượng đô thị loại II, hướng đến đô thị loại I, từng bước trở thành đô thị thông minh, đô thị xanh, hiện đại, đô thị du lịch, dịch vụ sinh thái, trở thành thành phố cân bằng, độc đáo, an toàn, thân thiện, văn minh với phát thải ròng bằng “0” trước năm 2050 để tạo nên giá trị khác biệt, khẳng định vị thế, vai trò là trung tâm của tỉnh Ninh Thuận.

Đến nay, thành phố đã đạt và vượt chỉ tiêu với nhiều điểm sáng nổi bật như: Kinh tế tăng trưởng khá, khẳng định vai trò trung tâm thương mại-dịch vụ của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh được cải thiện, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt kế hoạch đề ra; diện mạo đô thị không ngừng đổi mới, ngày càng được khang trang, sáng – xanh – sạch – đẹp – văn minh.

Hiện, diện tích cây xanh đô thị đạt 10 m2/người, 100% thôn, khu phố đã có lưới điện quốc gia, đáp ứng đầy đủ điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất; 100% đường nội thành được chiếu sáng; tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt tại đô thị được thu gom đạt 99%; cơ sở sản xuất công nghiệp có hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn cho phép; 95% hộ gia đình tham gia đóng phí vệ sinh và có hầm chứa nước thải, có 4.544 điểm đấu nối vào hệ thống nước thải của thành phố.

Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hướng đến trở thành đô thị thông minh ảnh 2

Diện tích cây xanh đô thị tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) đạt 10m2/người, thành phố cơ bản đã đạt được 44/63 tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn đô thị loại I.

Theo tiêu chuẩn đô thị loại I, thành phố cơ bản đã đạt được 44/63 tiêu chuẩn, trong đó có 29 tiêu chuẩn đạt cao, 15 tiêu chuẩn đạt trung bình và 19 tiêu chuẩn chưa đạt.

Thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển thành phố Phan Rang-Tháp Chàm trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”, thành phố đã đầu tư xây dựng, khai thác hiệu quả hoạt động Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC), tích hợp các nguồn thông tin từ các sở, ban, ngành như: Phản ánh người dân, du lịch thông minh, chính quyền điện tử, quản lý tàu thuyền, camera giao thông của công an tỉnh, tích hợp các phần mềm cơ sở ở các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, giao thông, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư … tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu sẽ được tổng hợp và xử lý hằng ngày, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong tình hình mới.

Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hướng đến trở thành đô thị thông minh ảnh 3

Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) góp phần tích cực trong tích hợp và xử lý thông tin hàng ngày, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong tình hình mới. – Ảnh:NGUYỄN TRUNG.

Về lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm,… có nhiều tiến bộ.

Phóng viên: Thưa đồng chí, đâu là những khó khăn mà địa phương đang gặp phải trong xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh?

Đồng chí Châu Thị Thanh Hà: Tuy kinh tế thành phố tăng trưởng khá, nhưng chưa ổn định. Các thành phần kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đô thị ven biển, ven sông. Việc triển khai cơ chế chính sách đặc thù còn chậm, quy trình kêu gọi đầu tư các dự án chưa đạt hiệu quả cao, nhất là tại một số dự án khu đô thị mới, khu dân cư.

Cùng với đó, việc kêu gọi đầu tư xây dựng các hệ thống bán lẻ hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, như: Siêu thị Tấn Tài; Trung tâm thương mại Tháp Chàm còn nhiều khó khăn; tuy có đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế nhưng chưa theo kịp xu hướng phát triển.

Công tác quản lý đô thị, tài nguyên môi trường chưa chặt chẽ, trật tự văn minh đô thị chưa thật sự nền nếp; nếp sống văn minh đô thị chưa được tốt, ý thức của một bộ phận nhân dân đối với cộng đồng chưa cao.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế có đổi mới nhưng chưa nhiều. Chẳng hạn như chưa có nhiều khu vui chơi, thiết chế văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị du lịch; chưa khai thác tối đa giá trị di tích, di sản gắn với phát triển du lịch của thành phố.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Việc tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình này cũng còn hạn chế.

Thực tế, phát triển đô thị thông minh mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, còn công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh, như: Giao thông, năng lượng, môi trường… chưa đạt như mong muốn.

Đổi mới phương thức lãnh đạo

Phóng viên: Vậy các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trên như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Châu Thị Thanh Hà: Năm 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành tất cả các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời xây dựng kế hoạch khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế bằng việc phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, từng cá nhân theo phương châm 5 rõ: “Rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên bảo đảm chuẩn mực theo Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, bảo đảm theo 5 chuẩn mực “Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời”.

Tăng cường hơn nữa công tác dân vận của Đảng gắn với dân vận chính quyền theo hướng “gần dân, sát dân”; kịp thời giải quyết những phản ánh kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; gắn với phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực xây dựng và phát triển thành phố.

Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hướng đến trở thành đô thị thông minh ảnh 4

Hạ tầng giao thông tại trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm được đầu tư bài bản, tạo nên không gian thoáng hướng đến trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Thành phố nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực cũng như triển khai hiệu quả Đề án “phát triển kinh tế đô thị, trọng tâm là xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm thông minh, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.

Tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy công nghiệp phát triển; xây dựng và phát triển xã Thành Hải trở thành xã Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024. Phát huy hiệu quả cơ chế chính sách đặc thù, nhất là cơ chế huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển toàn diện, vững chắc, nâng cao chất lượng tiêu chí đô thị loại II, hướng đến đô thị loại I, trở thành đô thị thông minh.

Phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu bảo đảm đồng bộ về mặt thứ tự quy hoạch và làm cơ sở tổ chức kêu gọi đầu tư các dự án khu đô thị mới, khu dân cư có quy mô dưới 20ha; tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, giao thông, cấp, thoát nước, công viên, cây xanh. Theo đó, sẽ đầu tư đạt chỉ tiêu diện tích cây xanh đô thị 13m2/người; tỷ lệ rác thải đô thị được thu gom và tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt 100%; hoàn thành khu dân cư, khu đô thị mới và các dự án khác đã được quy hoạch.

Tăng cường cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, khai thác và sử dụng tối đa hiệu quả trung tâm điều hành thông minh (IOC).

Tiếp đó là cụ thể hóa các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của thành phố, tạo môi trường thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thành phố. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.

Tập trung xây dựng quỹ đất sạch để tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư. Công bố rộng rãi, công khai, minh bạch quỹ đất quy hoạch dành cho các dự án hợp tác công tư, các dự án xã hội hóa.

Phóng viên: Ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thành phố có kiến nghị gì đối với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận hoặc Trung ương trong việc tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế chính sách để thành phố Phan Rang-Tháp Chàm sớm hiện thực hóa đô thị xanh, môi trường an toàn, thân thiện, từng bước trở thành đô thị thông minh?

Đồng chí Châu Thị Thanh Hà: Để sớm hiện thực hóa đô thị xanh, môi trường an toàn, thân thiện, từng bước trở thành đô thị thông minh, thành phố rất mong muốn Trung ương sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023. Rà soát các luật, nghị định, thông tư chuyên ngành bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật này.

Kiến nghị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án theo quy hoạch phê duyệt nhằm phát huy nguồn lực, phát triển kinh tế xã hội của địa phương; nhất là các hạ tầng khung theo quy hoạch chung thành phố, hạ tầng giao thông (các đường tỉnh lộ, mở rộng các trục đường chính đô thị, đường sắt cao tốc, đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt, đường sắt nhẹ, sân bay Thành Sơn, bến xe liên tỉnh,…) tạo động lực, tạo không gian phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm nâng cao chất lượng đô thị.

Quan tâm hướng dẫn tiêu chí đánh giá đô thị cân bằng độc đáo để thành phố triển khai thực hiện đánh giá trong thời gian tới.

Quan tâm bảo đảm tính đồng bộ trong các quy hoạch, nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng đất đai. Trong đó, quan tâm đến các tiêu chí đô thị loại II, loại I theo quy định tại Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15, ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là tiêu chí về cây xanh, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc, cảnh quan đô thị,…

Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hướng đến trở thành đô thị thông minh ảnh 5

Hồ điều hòa trung tâm, phường Mỹ Bình, là một trong những công trình thuộc dự án “Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án thành phố Phan Rang-Tháp Chàm” có tổng mức đầu tư hơn 103 triệu USD được xây dựng từ năm 2016 và hoàn thành vào tháng 6/2024, đáp ứng mục tiêu cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe của người dân thành phố và tạo cảnh quan “xanh – sạch – đẹp”, hướng đến phát triển thành phố Phan Rang-Tháp Chàm trở thành đô thị thông minh hiện đại.

Đẩy nhanh công tác lập các đồ án quy hoạch phân khu để Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang-Tháp Chàm có cơ sở lập mới và điều chỉnh các đồ án quy hoạch chi tiết phù hợp định hướng theo đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Đồng thời có chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai cơ chế phân cấp cho thành phố.

Chú trọng công tác số hóa cơ sở dữ liệu về đất đai, xây dựng, hạ tầng kỹ thuật,… tạo sự đồng bộ về quản lý, khai thác, có sự liên kết với các ngành, lĩnh vực khác, bảo đảm giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng được nhanh chóng, hiệu quả, chính xác.

Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên, môi trường nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng nhiệm vụ ngày càng cao trong chỉ đạo, quản lý nhà nước…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Theo nhandan.vn

CAM NANG CHUYEN DOI SO
SERI KY SU - DOC DAO NUOC TROI
NINH THUAN TAM NHIN VA KHAT VONG
NUI CHUA KHO BAO THIEN NHIEN