Thay vì đến những điểm du lịch nắng ấm như miền Nam châu Âu thì nay, dòng du khách đang đổ về khu vực cực Bắc bán cầu do nền nhiệt mát mẻ hơn.
Du khách đổ xô đến sông băng tại Alaska
Sông băng Mendenhall ở bang Alaska, Mỹ là địa điểm hút khách du lịch năm nay. Người dân khắp nơi đổ về đây để chiêm ngưỡng cảnh tượng băng tuyết vào mùa Hè. Hơn thế, họ đổ về đây vì lo sợ con sông băng này đang bị thu hẹp do băng tan và sẽ dần biến mất.
Theo khảo sát, số người có mong muốn đi du lịch đến khu vực bờ biển Địa Trung Hải trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11 hiện đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do trời quá nóng. Nhiều khu nghỉ dưỡng đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì hiện tượng sóng nhiệt hiện nay.
91% khu trượt tuyết châu Âu có thể biến mất
Một nghiên cứu được công bố mới đây thật đáng giật mình, đó là 91% khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở châu Âu có thể biến mất vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu, không còn đủ lượng tuyết rơi.

Năm ngoái, nước Pháp ghi nhận mùa thu đông với nhiệt độ ấm áp hơn và mưa nhiều hơn, làm tan các lớp tuyết phủ trên các sườn núi ở dãy Alps và dãy Pyrenees, buộc nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết phải đóng cửa. Do thiếu tuyết, một số sự kiện thể thao mùa đông ở Pháp đã bị hoãn, hủy, hoặc thay đổi địa điểm tổ chức.
Thậm chí, tại Bolivia, nơi từng là khu nghỉ dưỡng trượt tuyết cao nhất thế giới chỉ còn trong quá khứ. Cao hơn 5.000 mét so với mực nước biển, Chacaltaya là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần dành cho gia đình từng rất nổi tiếng tại Bolivia. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến sông băng giảm dần kích thước và biến mất hoàn toàn vào năm 2009. Do đó, khu nghỉ dưỡng này cũng không còn tồn tại nữa.
Bản đồ du lịch thế giới thay đổi vì biến đổi khí hậu
Đi trượt tuyết mà lại chẳng có tí tuyết nào rơi ngay giữa mùa đông đã khiến nhiều du khách nản lòng. Hay như mùa hè này ở Hy Lạp, từ cháy rừng kinh hoàng hồi tháng 7 đến đợt nắng nóng kéo dài nhất từng xảy ra trên đất nước này với nhiệt độ trên 40 độ C trong hơn 14 ngày liên tiếp đã buộc nhiều du khách tránh xa các di tích lịch sử vào những giờ nhiệt độ cao nhất trong ngày.
Thảm họa tự nhiên thì không có biên giới, nhưng rõ ràng thiên tai lại có nguy cơ làm đảo lộn bản đồ du lịch thế giới, mà tác động nặng nề nhất chính là sự nóng lên toàn cầu.

Công ty phân tích dữ liệu Mabiran ở Tây Ban Nha đã phát triển một chỉ số nhận xét về khí hậu để đo lường sự hài lòng của du khách đối với điều kiện thời tiết và khí hậu tại các địa điểm du lịch. Kết quả chỉ ra rằng, nóng nực làm giảm mức độ hài lòng chung của khách du lịch ở Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italy và Pháp, trái ngược hoàn toàn với tình hình ở Vương quốc Anh.
Do đó có thể thấy, xu hướng du lịch ở lục địa châu Âu có liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu và tác động của điều này thể hiện rõ trong đợt nắng nóng gần đây làm thay đổi bản đồ du lịch ở các quốc gia trong lục địa, nơi lượng đặt chỗ du lịch giảm ở ven biển phía Nam và tăng bất thường ở vùng ven biển phía Bắc.
Iceland là một ví dụ. Quốc đảo nằm ở phía Bắc Đại Tây Dương, nằm giáp vòng Cực Bắc có khí hậu rất lạnh giá, nhưng Iceland đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng du khách – kín tất cả các phòng khách sạn cho đến tháng 9 và người ta đang nói về một mùa hè du lịch bận rộn chưa từng thấy.
Một vấn đề quan trọng khác trong ngành du lịch hiện nay, đó là sự chuyển đổi từ mô hình du lịch truyền thống sang mô hình du lịch bền vững hơn. Các chuyên gia cho rằng, du lịch cần phải tập trung vào bảo vệ môi trường, sử dụng ít tài nguyên hơn đặc biệt là nước và có tác động tích cực đối với cả cộng đồng địa phương và du khách.

Những chuyến du lịch vội vàng do biến đổi khí hậu
Để chạy đua với thời gian, nhiều du khách trên khắp thế giới đã vội vàng xách ba lô lên và đi, để chắc chắn rằng họ sẽ không cảm thấy nuối tiếc nếu kỳ quan thiên nhiên đó biến mất theo thời gian
Last Chance Tourism – du lịch đến những thắng cảnh có nguy cơ biến mất. Đầm phá này nằm ở phía nam Iceland. Những khối băng trôi bồng bềnh từng là một phần của dòng sông băng khổng lồ ở phía bắc Đại Tây Dương.
Anh Sharadh Sivamani – Du khách New York, Mỹ: “Cảnh tượng này thật đáng buồn, nhưng may là tôi vẫn còn kịp đến đây”.
Anh Sharadh đưa bố mẹ đến ngắm những tảng băng trôi cuối cùng trước khi chúng tan chảy hết. Trong những năm gần đây, gia đình anh đã đến thăm nhiều nơi như Patagonia – một sa mạc ở Bolivia – nơi cũng đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Mặc dù anh Sharadh chưa từng nghe đến khái niệm “du lịch đến những nơi thắng cảnh có nguy cơ biến mất” nhưng dường như đó là ý tưởng mà gia đình anh cùng muốn thực hiện.

Rất nhiều người cũng như anh Sharadh, đổ xô đến những nơi đang bị đe dọa biến mất – như rạn san hô Great Barrier chẳng hạn. Rạn san hô nổi tiếng ở Australia đang chết dần do nhiệt độ nước biển tăng gây ra tình trạng tẩy trắng san hô. Họ cũng đổ xô đến các vùng biển cạn ở Israel và miệng núi lửa Kilimanjaro ở Tanzania.
Chị Alyssa Zimmerman – Du khách Chicago, Mỹ: “Bạn sẽ muốn đến đây để thấy tận mắt thay vì đọc về nơi này qua một cuốn sách”.
Cư dân địa phương hy vọng rằng, nhờ vào những bức ảnh có thể là cuối cùng này, bản thân các du khách sẽ nhận thức được họ phải làm gì để bảo vệ môi trường, để những chuyến đi – những điểm đến không phải là cuối cùng.
Trải nghiệm du lịch thăm quan khu ổ chuột tại Ấn Độ
Một vấn đề quan trọng khác trong ngành du lịch hiện nay, đó là sự chuyển đổi từ mô hình du lịch truyền thống sang mô hình du lịch bền vững hơn. Các chuyên gia cho rằng du lịch cần phải tập trung vào bảo vệ môi trường, sử dụng ít tài nguyên hơn (đặc biệt là nước), có tác động tích cực đối với cả cộng đồng địa phương và du khách. Khách hàng cũng ngày càng quan tâm hơn tới khía cạnh này. Chính vì thế, những kiểu du lịch trải nghiệm mới mang tính nhân văn đang có xu hướng ngày càng được ưa thích.
