clock
Đang Tải...
logo
logo

Tín dụng chính sách xã hội – Điểm tựa để người nghèo thoát nghèo bền vững

play video01/08/2024 10:37

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị 40), công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hơn 470.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được vay vốn, góp phần giúp hơn 73.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Chỉ thị số 40  thực sự là cầu nối, đưa tín dụng chính sách đến gần với người dân hơn.

Anh Katơr Điêu ở thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận là một trong hàng ngàn hộ nghèo ở huyện Bác Ái thoát nghèo từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh Katơr Điêu đã vay ngân hàng 3 lần và lần gần đây với số tiền vay 80 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, ông đầu tư nuôi bò sinh sản, cải tạo đất đồi thành vườn trồng bưởi, sầu riêng. Hiện tại gia đình ông đã có đàn bò 10 con, 2 ha vườn cây ăn quả, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Anh Katơr Điêu cho biết gia đình được thoát nghèo bền vững nhờ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội: “Trưởng thôn, Hội Cựu chiến binh, các Ban ngành ở xã Phước Bình giới thiệu cho mình vay Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi bò, trồng bưởi, sầu riêng. Đến nay gia đình của mình đã thoát nghèo rồi, đầu tư cho con đi học đàng hoàng.. Vườn bưởi của nhà mình 50 cây cho trái, cây sầu riêng 20 cây đang phát triển, đàn bò 10 con. Cảm ơn Đảng, Nhà nước”.

 Vườn bưởi của Anh Katơr Điêu ở thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận bước vào mùa thu hoạch.

Điểm sáng nổi bật trong việc thực hiện Chỉ thị số 40 là nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong 10 năm qua đã giúp hơn 73.000  hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 57.300 lao động được vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, 43.900 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng hơn 126.000 công trình nước sạch và nhà vệ sinh, 8.234 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, hàng ngàn hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Không chỉ diện mạo khu vực nông thôn, miền núi ngày càng khởi sắc, thông qua hoạt động ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức chính trị, xã hội đã tổ chức có hiệu quả các mô hình hỗ trợ hội viên, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tính đến ngày 30/6/2024, dư nợ ủy thác qua 4 Hội đoàn thể trên 3.721 tỷ đồng, tăng 2.493 tỷ đồng so với năm 2014.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Ninh Thuận về tận cơ sở để hỗ trợ tư vấn giải quyết vốn vay cho người nghèo.

Việc thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sức mạnh của các đoàn thể chính trị – xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo; hướng dẫn và tạo điều kiện cho người dân biết cách sản xuất, kinh doanh, thay đổi cách nghĩ, cách làm  và vươn lên thoát nghèo bền vững.  Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn 4,21%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới bình quân hàng năm giảm 1,39%.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI và 05 năm thực hiện Kết luận số 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội là hướng đi đúng đắn, là “điểm sáng” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Với mô hình quản lý vốn như hiện nay đã thể hiện tính ưu việt riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội, tiếp tục góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới./.

Bài và ảnh: Hòa Diệu – Thế Hùng – A Sơn

CAM NANG CHUYEN DOI SO
SERI KY SU - DOC DAO NUOC TROI
NINH THUAN TAM NHIN VA KHAT VONG
NUI CHUA KHO BAO THIEN NHIEN