Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028. – Ảnh: HNDVN. |
Lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng lên tầm cao mới, mang tính thời đại
Ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ XI của Đảng (nhiệm kỳ 2011 – 2016), đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để làm việc với từng Ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trọng điểm về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong mỗi buổi làm việc, chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều trực tiếp khảo sát tình hình thực tế ở cơ sở, sau đó dành thời gian để lắng nghe các ý kiến báo cáo, đề xuất, từ đó đưa ra những kết luận, gợi mở đầy sâu sắc.
Chính nhờ sự quan tâm sâu sát đó nên trong suốt giai đoạn từ năm 2011 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nông nghiệp, nông thôn luôn có sự tăng trưởng mạnh mẽ, luôn bằng và vượt chỉ tiêu đề ra tại các kỳ Đại hội của Đảng (trên 3% mỗi năm), riêng năm 2023 tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đã cán mốc cao kỷ lục với 3,83% và tiếp tục duy trì đà này trong 6 tháng đầu năm 2024; xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản bình quân tăng trưởng trên 8%/năm, đến năm 2023 đạt kim ngạch kỷ lục 53,22 tỷ USD, cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng có sự thay đổi tích cực, giá trị thặng dư thương mại đạt tới 12,07 tỷ USD vào năm 2023; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 78%, trong đó có tới 2.113 xã nông thôn mới nâng cao (tính đến tháng 6/2024); đặc biệt thu nhập của người nông dân tăng gấp 4,5 lần (vượt mục tiêu đề ra là 2,5 lần); tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn bình quân giảm 1-1,5%.
Điểm qua các số liệu trên, có thể khẳng định, các vấn đề lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng lên một tầm cao mới, trở thành một tư tưởng, một di sản, là kim chỉ nam để hoạch định con đường cho nông nghiệp, nông thôn phát triển cả về trước mắt, cả về lâu dài. Trong các phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn chỉ rõ, nông nghiệp – nông dân – nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bước sang giai đoạn phát triển mới với bối cảnh đất nước và thế giới có nhiều thay đổi, nhất là tác động từ đại dịch COVID-19, các vấn đề liên quan đến địa chính trị, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng (nhiệm kỳ 2021- 2026), Đảng đã đặt vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn lên một tầm cao mới, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi lần đầu tiên Nghị quyết Đại hội đã đề cập đến nội dung về “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Những nội dung này có dấu ấn rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với vai trò là Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII.
Trên cơ sở đó, ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành ba Nghị quyết rất quan trọng của Hội nghị lần thứ Năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII, đó là Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Đây được coi là ba Nghị quyết mang tính lịch sử trong một Hội nghị của Trung ương nhằm giải quyết căn cơ các vấn đề của nông nghiệp, nông thôn, nông thôn, từ vấn đề về đất đai đến đổi mới tư duy sản xuất, thúc đẩy hợp tác, liên kết, khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới ba vấn đề lớn, đó là: Thứ nhất, phải khẳng định Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Thứ hai, phải nhận thức và xác định rõ, nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Thứ ba, phải hướng tới xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ 2023 – 2028. – Ảnh: HNDVN. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc giám sát, phản biện và vận động đoàn viên, hội viên, người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định vai trò chủ thể, trung tâm của người nông dân
Tháng 9/2011, lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi thăm và làm việc đầu tiên với Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tại buổi làm việc, lần đầu tiên Tổng Bí thư đã nhắc tới khái niệm, vai trò chủ thể, trung tâm của người nông dân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, Tổng Bí thư đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Hội Nông dân Việt Nam trong việc tham gia xây dựng và thực hiện Nghị quyết 26, song cũng đặt ra hàng loạt các vấn đề cần giải quyết mà cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Tổng Bí thư đã chỉ ra các vấn đề từ giai cấp nông dân đang biến đổi như thế nào trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) của đất nước, vấn đề chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường định hướng XHCN cho đến các vấn đề về đất đai, tri thức hóa nông dân, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đặc biệt, Tổng Bí thư đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò “chủ thể” của người nông dân khi lưu ý: “Phải nắm bắt được hiện nay nông dân đang có tâm tư gì, nguyện vọng gì, có yêu cầu, đề xuất gì với Đảng, Nhà nước. Lâu nay, chúng ta bàn về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới rất nhiều nhưng lại chưa bàn sâu về nông dân, xây dựng giai cấp nông dân…”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên. – Ảnh: HNDVN. |