Trung Quốc phê duyệt sử dụng lâm sàng vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được bào chế trong nước. – Ảnh: Viện Công nghệ sinh học quốc gia Thượng Hải.

Vaccine do Viện Công nghệ sinh học quốc gia Thượng Hải thuộc Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) phát triển độc lập và đã nhận được thông báo thử nghiệm lâm sàng của Cục Quản lý và Giám sát dược phẩm quốc gia. Sinopharm cũng là tập đoàn dược phẩm chịu trách nhiệm sản xuất loại vaccine COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc vào thời điểm đại dịch hoành hành năm 2020.

Vaccine sống giảm độc lực phòng bệnh đậu mùa khỉ được phát triển dựa trên chủng Vaccinia Ankara đã được sửa đổi (MVA) của virus đậu mùa có khả năng nhân bản kém. Tính an toàn và hiệu quả của chủng vaccine này đã được chứng minh đầy đủ bằng dữ liệu lâm sàng.

Theo Viện Công nghệ sinh học quốc gia Thượng Hải, chủng MVA đã chứng minh được tính an toàn và hiệu quả như một vector ứng cử viên cho vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Vaccine MVA phòng bệnh đậu mùa khỉ được sản xuất theo quy trình nhằm bảo đảm chất lượng ổn định và đáng tin cậy. Các nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh được tính an toàn và khả năng tạo ra khả năng bảo vệ miễn dịch hiệu quả chống lại virus gây bệnh đậu mùa khỉ ở các mô hình linh trưởng không phải người.

Ngày 9/9, truyền thông nước ngoài dẫn lời Giám đốc Bệnh viện Nhân dân số 3 Thâm Quyến – ông Lu Hongzhou cho rằng, dù đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện đang tập trung ở CHDC Congo song không thể loại trừ khả năng biến thể 1b đã lan rộng ra toàn cầu và kịch bản này đòi hỏi chúng ta phải chú ý nhiều hơn.

Theo đánh giá của ông Lu, dựa trên các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát hiện tại cũng như hệ thống giám sát dịch bệnh trong nước, khả năng gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở Trung Quốc vẫn tương đối thấp. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan và cần tiếp tục đề cao cảnh giác.

Tờ China Daily cho biết, thông thường, một ứng cử viên vaccine ở Trung Quốc sẽ phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trước khi được thị trường công nhận và quá trình này có thể mất nhiều năm.

Những thông tin tích cực về vaccine được Trung Quốc đưa ra vào thời điểm dịch bệnh đậu mùa khỉ đang có dấu hiệu lây lan, với các ca nhiễm gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2024, hơn 120 quốc gia đã báo cáo về các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, với hơn 100.000 trường hợp được xác nhận mắc bệnh và hơn 220 trường hợp tử vong trong số này.

Ngày 14/8, WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ gây tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) và kêu gọi phản ứng phối hợp từ cộng đồng quốc tế để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh. Động thái trên được cơ quan y tế Liên hợp quốc đưa ra trong bối cảnh số ca mắc biến thể 1b (dễ lây lan và có nguy cơ gây tử vong cao hơn) tăng vọt tại CHDC Congo và lan rộng sang các nước lân cận ở châu Phi./.

Theo dangcongsan.vn