clock
Đang Tải...
logo
logo

Vì sao thiên tai và siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều khắp toàn cầu?

play video03/10/2024 10:49

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, thế giới đã trải qua tới 4 siêu bão, gây ra những hậu quả vô cùng thảm khốc tại nhiều quốc gia khác nhau. Sau khi Yagi tàn phá nhiều quốc gia châu Á, lần lượt Bebinca, John, Helene… đổ bộ vào Trung Quốc, Mexico và Mỹ. Tại Trung Âu, bão Boris cũng gây ra đợt ngập lụt “trăm năm” mới có một lần.

Các chuyên gia khí hậu khắp thế giới nhận định, các hiện tượng thời tiết cực đoan nói trên chính là hậu quả nhãn tiền của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Kỷ nguyên siêu bão

Kỷ nguyên siêu bão – Đó là cách các nhà nghiên cứu phương Tây dùng để để cảnh báo về giai đoạn thế giới phải đối mặt với ngày càng nhiều những trận bão dữ dội hơn. Khái niệm này lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 2012, sau khi siêu bão Sandy quét qua 24 bang của nước Mỹ, khiến 160 người thiệt mạng, đồng thời phá hủy hơn 100.000 căn nhà. Thời điểm này, các nghiên cứu đã đưa ra “tiên đoán” rằng: Chỉ trong tương lai gần, nhân loại sẽ phải tiếp tục trải qua rất nhiều thảm hoa tự nhiên tương tự.

Giáo sư Michael Oppenheimer từ Đại học Princeton nhận định: “Sandy chỉ là điềm báo trước cho những gì sắp diễn ra. Những cơn bão lớn hơn và mực nước biển cũng sẽ dâng cao hơn sẽ tạo ra mối đe dọa ngày càng tăng trong những thập kỷ tới”.

Siêu bão Sandy năm 2012: Là cơn bão Đại Tây Dương gây ảnh hưởng đến 24 bang của Mỹ, khiến 160 người thiệt mạng, phần lớn tại New York và New Jersey. (Ảnh: Reuters)

Đúng như lời tiên đoán, Kỷ nguyên bão đã đón nhiều cơn siêu bão hơn trong các năm tiếp theo. Trong ảnh là cảnh được chụp lại khi Bão Harvey đổ bộ vào Mỹ năm 2017,  gây thiệt hại lên tới 125 tỷ USD. (Ảnh: Reuters)

Bão Maria, 2017 gây ra một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử Puerto Rico. Nhiều tháng sau cơn bão, một nhóm nghiên cứu do Đại học Harvard dẫn đầu ước tính số người chết là 4.645 trường hợp. (Ảnh: Reuters)

Bão Ian, 2022 là cơn bão "chết chóc" nhất tấn công Florida (Mỹ) kể từ năm 1935. Ian đạt tới cấp 5 và gây ra cái chết cho 150 người. (Ảnh: Reuters)

Siêu bão cũng xuất hiện và càn quét qua khu vực châu Á. Trong ảnh, một người dân tại tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) bước qua đống đổ nát do siêu bão Yagi gây ra hồi tháng 9/2024. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Cuối tháng 9/2024, siêu bão Helene tiếp tục đổ bộ vào nước Mỹ khiến gần 200 người thiệt mạng. (Ảnh: Reuters)

Kỷ nguyên siêu bão đang chứng kiến ngày càng nhiều “điều bất thường”. Tháng 9/2020, trên Đại Tây Dương xuất hiện 5 cơn bão nhiệt đới hoạt động cùng một lúc. Lần gần nhất hiện tượng tương tự được ghi nhận là từ năm… 1971.

Vị trí của 5 cơn bão và áp thấp trên Đại Tây Dương. – Ảnh: National Hurricane Center.

Tiếp đó, năm 2023, lần đầu tiên bão cấp 5 đồng loạt hoành hành trên khắp 4 đại dương, bao gồm, bão Freddy và Ilsa ở Ấn Độ Dương, Lee ở Đại Tây Dương; Jova vàMawar ở Thái Bình Dương.

Thống kê được đăng tải trên tạp chí Time hồi đầu tháng 9 cho thấy: Số lượng các cơn bão cấp 4 và cấp 5 đổ bộ vào Mỹ giai đoạn 2017-2021 thậm chí cao hơn giai đoạn 1963-2016. Đáng chú ý, bão ngày nay cũng kéo dài hơn, di chuyển chậm hơn và… có sức tàn phá dữ dội hơn.

Người dân Quảng Ninh (Việt Nam) di chuyển sau khi bão Yagi càn quét qua. – Ảnh: Báo Nhân Dân.

“Đến năm 2100, số lượng bão lớn, bao gồm siêu bão cấp 5 với sức gió lên tới hơn 300km/giờ dự kiến sẽ tăng 20%”, báo cáo trích dẫn.

Một báo cáo khác từ Trung tâm Dự báo bão quốc gia Mỹ (NHC) cho biết, trong 2 thập kỷ qua, số lượng bão cấp 3 trên toàn cầu đã tăng hơn 30%.

Quảng Ninh sau siêu bão Yagi tháng 9/2024. – Ảnh: Báo Nhân Dân.

Vậy siêu bão là gì?

Năm 1993, tên “siêu bão” được Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ đưa ra để định nghĩa những cơn bão có sức tàn phá lớn. Đây là một thuật ngữ mang tính chủ quan, có thể được xếp loại dựa theo sức gió, cấp bão hoặc hậu quả cơn bão để lại.

Theo thang đo bão Saffir–Simpson, các cơn bão được phân cấp từ mức 1 đến 5 theo tốc độ gió duy trì. Mặc dù vậy, thang Saffir-Simpson lại không tính đến các tác động khác như sóng trào và lượng mưa. Bão ở mọi quy mô đều có thể đi kèm cả hai tác động này. Vì vậy, một số cơn bão mặc dù chỉ có cấp độ 3,4; thậm chí cấp 1 vẫn gây ra thiệt hại nghiêm trọng và được xếp vào hàng… siêu bão. Điển hình như bão Sandy chỉ được xếp cấp 3 nhưng vẫn là một trong những thảm họa tự nhiên nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tại Việt Nam, theo khoản 7 Điều 5 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg, bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão. Gió cấp 16, được mô tả trong phụ lục của Quyết định nói trên, có tốc độ 184 – 201km/h, và cấp 17 có tốc độ 202 – 220km/h.

Dưới đây là một số hình ảnh về trận siêu bão Yagi tại Việt Nam

Siêu bão đã tàn phá toàn cầu 1 tháng qua như thế nào?

Siêu bão thường rất nguy hiểm vì chúng mang theo sức gió mạnh, lượng mưa lớn và gây ra lũ lụt trên diện rộng. Trong những khu vực địa hình núi, mưa lớn từ siêu bão có thể gây lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng. Ngoài ra, khi một siêu bão tiến vào đất liền, nó thường đi kèm với những đợt sóng biển cao, có thể gây thiệt hại đáng kể cho các cộng đồng ven biển.

Đầu tháng 9/2024, sau khi đi qua Philippines và Trung Quốc, siêu bão mang tên quốc tế Yagi đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam tàn phá nặng nề nhiều tỉnh miền bắc. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão đã gây ra trận mưa lớn nhất trong vòng vài chục năm qua, đồng thời khiến 20/25 tỉnh thành phố ngập lụt. Gần 3,3 tỷ USD là ước tính thiệt hại sơ bộ sau bão. Ngoài ra, 334 người đã bị chết, mất tích; 1.976 người bị thương hoặc sang chấn tâm lý nặng nề sau thiên tai (Theo số liệu công bố chính thức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Yagi cũng làm hư hỏng 282.000 căn nhà, 3.755 trường học; khiến 285.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả ngập úng, hư hại; 189.982ha rừng, 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi khoảng 5,6 triệu con gia súc, gia cầm bị chết.

Nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại như đường dây truyền tải, trạm biến áp, cột viễn thông, tuyến cáp quang, trạm BTS bị mất liên lạc; đã xảy ra 796 sự cố đê điều; 820 vị trí trên các tuyến quốc lộ bị ách tắc và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở, 3.517 công trình thủy lợi, cấp nước bị hư hỏng… Đặc biệt, siêu bão Yagi cũng có khả năng “kéo chậm” tốc độ tăng trưởng của nhiều địa phương; ước cả năm có thể giảm tới 0,15%.

Không chỉ Việt Nam, các quốc gia lân cận như Phillipines, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar… cũng chịu tác động nặng nề của Yagi. Tại Myanmar, lũ lụt và lở đất đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 226 người. Tổng số người chết ở Đông Nam Á do cơn bão gây ra cũng lên tới hơn 500 trường hợp.

Cũng trong tháng 9, bão Boris cũng đã hoành hành tại nhiều nước Trung Âu, gây ra đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong suốt hơn 2 thập kỷ ở khu vực. Ít nhất 26 người đã tử vong trong các sự cố liên quan.

Các thảm họa thiên nhiên chưa dừng lại khi cuối tháng 9, đến lượt Mỹ đối mặt với siêu bão Helene. Mặc dù suy yếu khá nhanh khi vào đất liền, nhưng cơn bão cũng khiến ít nhất 162 người tử vong. Thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới 110 tỷ USD biến Helene trở thành một trong những cơn bão “tốn kém” nhất lịch sử nước Mỹ hiện đại. Cùng thời điểm, mưa lớn tại Nepal cũng gây ra sạt lở và lũ lụt diện rộng, cướp đi sự sống của 192 người.

Điểm đáng lưu ý, “hành trình” của các siêu bão trong thời gian vừa qua ngày càng trở nên “bất thường”. Lấy Yagi làm thí dụ, theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, tốc độ “tăng cấp” của Yagi diễn ra rất nhanh. Chỉ trong vòng 24 giờ bão đã tăng tới 8 cấp và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài trước khi càn quét qua Trung Quốc và Việt Nam.

Ngoài ra, mức độ giảm cấp của bão trên đường đi cũng không theo quy luật thông thường khi không suy yếu nhanh khi đi qua đảo Hải Nam để vào Vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh đó, thời gian lưu bão cũng rất lớn, kéo dài đến 12 tiếng.

Diễn biến mưa do bão số 3 cũng cho thấy tính chất phức tạp khó dự đoán. Bão số 3 di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Tây Bắc Bộ. Tuy nhiên, mưa lớn nhất do hoàn lưu bão số 3 chủ yếu ở phía đông dãy núi Hoàng Liên Sơn dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão. Hầu hết các cơn bão có quỹ đạo tương tự trước đây thường gây mưa lớn ở phía tây dãy núi Hoàng Liên Sơn.

Mưa rất lớn trên diện rộng (gồm nhiều tỉnh) thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao (trên 200 mm/ngày), kéo dài nhiều ngày sau khi bão tan.

Tính chất khác biệt tương tự cũng có thể dễ dàng tìm thấy ở các cơn bão như Beryl, Helene hay Boris…

Biến đổi khí hậu – “kẻ đứng sau” siêu bão

Vậy, đâu là những yếu tố đang góp phần khiến kỷ nguyên siêu bão trở nên phức tạp, khó lường hơn?

Trước tiên, hãy bắt đầu bằng bài phát biểu tại Tonga hồi tháng 8/2024 của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Tại Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương, ông Guterres đã cảnh báo về việc nhiệt độ nước biển tăng cao do tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến các cơn bão trở nên “tồi tệ hơn”.

– Ảnh: Reuters.

Nghiên cứu được Cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu công bố ngày 30/9 cho thấy, tốc độ ấm lên của các đại dương đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2005. Năm 2023, hơn 20% đại dương trải qua ít nhất một đợt nắng nóng nghiêm trọng đến cực đoan. Cũng trong thời gian này, mức băng biển hạ xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận tại các vùng cực của thế giới. Đây là hệ quả đáng báo động của tình trạng nóng lên toàn cầu. Và, đại dương, với vai trò là “mắt xích” điều tiết khí hậu đang thực sự “trục trặc”.

Từ nhiều năm qua, các nhà khoa học khắp thế giới đã chứng minh được mối liên kết giữa siêu bão và nhiệt độ nước biển. Họ gọi đây là Lý thuyết động cơ nhiệt.

Tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại bang Bắc Carolina (Mỹ) sau bão Helene. – Ảnh: Reuters.

Về mặt cơ chế, khi nước đại dương đủ ấm sẽ giải phóng ra một lượng lớn năng lượng khi bốc hơi, từ đó tạo ra sự sụt giảm áp suất. Do chênh lệch, không khí chung quanh bị hút vào khu vực áp suất thấp này. Sự chuyển động trên tạo ra luồng khí xoáy tròn quanh khu vực áp suất thấp.

Nếu các điều kiện thuận lợi được duy trì, bao gồm nhiệt độ mặt biển cao, cơn bão sẽ tiếp tục mạnh lên và có thể phát triển thành bão nhiệt đới. Các nhà nghiên cứu tới từ tạp chí lừng danh Nation Geographic thậm chí còn ví “nước biển ấm giống như nhiên liệu cho các các cơn bão nhiệt đới”; đồng thời khẳng định “nước càng nóng, nhiên liệu càng mạnh”.

Ảnh: Báo Nhân Dân

“Thế giới đã ấm lên 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học tại Cơ quan Quản lý khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) dự đoán rằng, khi nền nhiệt tiếp tục tăng thêm 2 độ C, tốc độ gió bão có thể tăng tới 10%”, ký giả Gloria Dickie của Hãng tin Reuter dẫn chứng.

Bên cạnh đó, nước ấm sẽ “tăng động lực” cho các cơn bão bằng cách… bơm nhiều hơi nước hơn vào không khí, từ đó khiến bão tạo ra lượng mưa lớn hơn. Một nghiên cứu về “mùa bão” 2020 tại Đại Tây Dương cho thấy: Với mỗi 1 độ C nhiệt độ tăng lên, khả năng “giữ hơi nước” tại khí quyển đồng thời cũng nhiều lên thêm 7%. Cũng trong mùa bão mạnh nhất từng được ghi nhận 2020, biến đổi khí hậu đã đẩy lượng mưa trung bình theo giờ trong các cơn bão lớn tăng thêm từ 8-11%.

Có thể thấy, nhiệt độ toàn cầu đang trong xu thế nóng dần lên theo năm tháng. (Đồ họa: NOAA)

Tiếp tục soi chiếu vào cơn bão số 3 vừa qua, trước khi vào Biển Đông, Yagi chỉ là một cơn bão nhiệt đới với sức gió tối đa là 90km/giờ, nhưng đã nhanh chóng mạnh lên với gió giật trên cấp 16 nhờ điều kiện vô cùng thuận lợi là mặt biển ấm…

Trong quá trình phân tích đường đi của bão, các nhà khoa học phát hiện nhiệt độ nước biển quanh Philippines trung bình trên 31 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ nước biển từ 29 độ C trở lên có thể cung cấp đủ năng lượng để cơn bão đạt đến sức mạnh tối đa.

Không chỉ khiến các cơn bão mang nhiều nước, gió và dữ dội hơn, biến đổi khí hậu còn khiến bão… di chuyển chậm hơn; từ đó có thêm… điều kiện để tàn phá các vùng đất chúng đi qua.

Song song, hiệu ứng nhà kính cũng làm tăng mực nước biển dâng, gia tăng nguy cơ ngập lụt ở các vùng ven biển. Khi các cơn bão kết hợp với hiện tượng nước biển dâng, hậu quả sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhìn trên diện rộng, biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu. Một báo cáo mới từ World Weather Attribution cho biết, hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ khiến các nước Trung Âu phải đối diện với nhiều trận mưa lớn và lũ lụt tàn khốc hơn trong tương lai.

Cụ thể, theo tính toán, một cơn bão lớn như Boris sẽ xảy ra trung bình mỗi 100-300 năm một lần, trong điều kiện khí hậu tăng 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nếu mức tăng nhiệt độ so với thời kỳ tiền công nghiệp đạt 2 độ C (dự kiến vào năm 2050), những cơn bão như vậy xảy ra với tần suất cao gấp đôi so với hiện tại; kèm theo đó là lượng mưa gia tăng tới hơn 7%.

Khu vực Trung Âu chìm trong biển nước sau khi bão Boris đổ bộ hồi tháng 9/2024. – Ảnh: Reuters.

Ngay đầu tháng 10, khi hậu quả của các đợt siêu bão khắp các châu lục vẫn còn rỉ máu, thế giới tiếp tục giật mình khi Mạng lưới giám sát sông băng Thụy Sĩ (GLAMOS) cảnh báo, tốc độ tan băng tại các dòng sông trên dãy Alps huyền thoại đang ở mức rất cao. Tổ chức này thậm chí cảnh báo, nếu không sớm có biện pháp quyết liệt nhằm đảo ngược tình trạng nóng lên toàn cầu, tới năm 2100, 80% sông băng thuộc dãy núi dài nhất châu Âu sẽ biến mất hoàn toàn.

Trong thông điệp phát đi hồi tháng 5/2024, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Các nhà khoa học đã cảnh báo chúng ta rằng nhiệt độ tăng cao hơn có thể có nghĩa là: Sự sụp đổ của Dải băng Greenland và Dải băng Tây Nam Cực cùng với mực nước biển dâng thảm khốc; phá hủy hệ thống rạn san hô nhiệt đới và sinh kế của 300 triệu người; sự sụp đổ của dòng hải lưu Labrador sẽ làm gián đoạn thêm các kiểu thời tiết ở châu Âu; và sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu trên diện rộng sẽ giải phóng lượng khí mêtan có sức tàn phá lớn, một trong những loại khí giữ nhiệt mạnh nhất”.

Lũ lụt gây hậu quả nghiêm trọng tại Nepal, tháng 9/2024. – Ảnh: Reuters.

“Chúng ta đang chơi trò roulette kiểu Nga với chính hành tinh của mình. Chúng ta cần một lối thoát khỏi đường cao tốc dẫn đến địa ngục khí hậu. Và tin tốt là chúng ta có thể điều khiển được bánh xe”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc ví von, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia cần phải khẩn trương hành động vì khí hậu, dựa trên các kế hoạch chi tiết và sâu rộng trong tiến trình cắt giảm khí thải, tăng cường khả năng phục hồi, cải cách dòng tài chính và giải quyết vấn đề nhiên liệu hóa thạch.

Có lẽ, đã đến lúc, toàn thế giới phải nhìn lại kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu của mình sau rất nhiều thảm họa.

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại Nepal đưa một nạn nhân tử vong do sạt lở đất tại Kathmandu ra khỏi hiện trường. – Ảnh: Reuters.

Theo nhandan.vn

CAM NANG CHUYEN DOI SO
SERI KY SU - DOC DAO NUOC TROI
NINH THUAN TAM NHIN VA KHAT VONG
NUI CHUA KHO BAO THIEN NHIEN