Việc tiêm vaccine phòng ngừa bệnh bại liệt đang gặp nhiều trở ngại do xung đột kéo dài ở Gaza. – Ảnh minh họa: APA Images/Zumapress.

Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, WHO đang gửi hơn 1 triệu liều vaccine ngừa bại liệt tới Gaza và việc tiêm phòng sẽ được triển khai trong những tuần tới. Bên cạnh đó, ông Ghebreyesus cũng nhấn mạnh rằng các nhân viên y tế cần được tự do di chuyển trong lãnh thổ Gaza để tiêm vaccine, đồng thời nêu rõ lệnh ngừng bắn hoặc ít nhất “một vài ngày yên bình” là cần thiết để bảo vệ trẻ em Gaza bằng các loại vaccine phòng bệnh.

Trong khi đó, hãng tin alarabiya dẫn một nguồn tin cho biết WHO đang chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm vaccine bại liệt cho người dân ở Gaza sau khi phát hiện loại virus này tại đây, mặc dù chiến sự tiếp diễn giữa Israel và phong trào Hamas đang gây nhiều rào cản.

Tháng trước, Cơ quan y tế Gaza đã tuyên bố sự xuất hiện của dịch bại liệt tại vùng lãnh thổ này và đổ lỗi cho chiến dịch tấn công quân sự đang diễn ra của Israel.

Cũng trong cuộc họp báo diễn ra ngày 7/8, Tiến sĩ Hamid Jafari, chuyên gia về bệnh bại liệt của WHO cho biết, dù chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện lâm sàng của bệnh bại liệt, song việc phát hiện virus bại liệt trong nước thải tại các tỉnh Deir al-Balah và Khan Younis ở Gaza là dấu hiệu cho thấy loại virus này đã lưu hành trong cộng đồng, khiến trẻ em chưa được tiêm phòng có nguy cơ mắc bệnh. Theo nhận định của ông Jafari, có khả năng loại virus gây bệnh bại liệt này đã lưu hành ở Gaza từ tháng 9 năm ngoái.

Theo khuyến cáo, trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao nhất mắc bệnh bại liệt do virus gây ra, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi bởi các chiến dịch tiêm chủng thông thường đã bị gián đoạn do 10 tháng xung đột tiếp diễn ở Gaza. Trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Mặc dù đã có vaccine cần thiết để tiêm chủng cho nửa triệu trẻ em ở Gaza, nhưng việc đưa vaccine vào vùng lãnh thổ này cũng như các hoạt động vận chuyển vaccine là rất khó khăn do các biện pháp hạn chế tự do đi lại.

Số ca mắc bệnh đã giảm khoảng 99% trên toàn thế giới kể từ năm 1988 nhờ các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt, cải thiện mức sống ở các nước đang phát triển và nỗ lực xóa sổ hoàn toàn căn bệnh này. Tuy nhiên, nỗ lực này đang có dấu hiệu chững lại ở một số khu vực. Nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo về tình hình ở Gaza, đặc biệt là khi các đợt tiêm chủng cho số lượng lớn trẻ nhỏ bị gián đoạn, có thể khiến căn bệnh này bắt đầu lây lan trở lại./.

Theo dangcongsan.vn