clock
Đang Tải...
logo
logo

Xe đạp thồ - biểu tượng tinh thần và ý chí trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

play video05/04/2024 14:46

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng dân công hỏa tuyến các tỉnh liên khu 4 trở ra đã tham gia phục vụ với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”. Bằng ý chí sắt đá, kiên cường và sức sáng tạo, dân công hoả tuyến đã lập nên những kì tích anh hùng, biến những phương tiện thô sơ thành những phương tiện vận tải tối ưu để cung cấp kịp thời vũ khí, lương thực phục vụ chiến đấu.

Những chiếc xe đạp thồ được sử dụng trong kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là do người Pháp sản xuất và đem theo sang Việt Nam. Nhờ sự thông minh và sức sáng tạo tuyệt vời, lực lượng dân công hoả tuyến đã cải tiến chiếc xe thành phương tiện vận tải cơ động phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nói về kỳ tích xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thái Hữu Hoành, Đại đội 292, đội Thanh niên xung phong 34 chống Pháp cho biết: “Tôi rất cảm phục anh em người Thanh Hóa. Lai rất nặng, hai bên hai tải đầy, phía trước là một tải. Khi xuống dốc, lên dốc, một hoặc hai người kéo đằng sau, khi xe xuống đến dốc thì lại quay lại đẩy xe. Hết xe này đến xe khác mà ban đêm chứ không phải ban ngày, không thấy nhau nhưng họ đẩy rất khỏe. Mồ hôi đầm đìa nhưng họ rất kiên cường và dũng mãnh.”

xe dap tho - bieu tuong tinh than va y chi trong chien dich Dien bien phu hinh anh 1

Nhớ lại những ngày tháng vận chuyện hàng, tất cả cho tuyền tuyến, ông Trần Khôi, cựu dân công xe thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ: “Tất cả các tỉnh, các huyện miền núi xuống, có cả thuyền bốc hàng, rồi ô tô, xe ngựa…. giống như ngày hội, đuốc thì đốt sáng. Anh em đi với tinh thần làm sao hàng đến cho nhanh, đảm bảo cho chiến trường có đủ lương thực, ăn no, đánh to, thắng lớn.”

Suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới mưa bom bão đạn của thực dân Pháp, từng đoàn dân công hoả tuyến với xe thồ, gánh bộ, ngựa thồ, hay sử dụng bè mảng… mang theo vũ khí, lương thực, thuốc men, vượt hàng trăm km đường núi cao, đèo sâu vào mặt trận.

Trong gian khó và hiểm nguy suốt dọc tuyến lửa đã xuất hiện những kiện tướng vận tải bằng phương tiện thô sơ chưa từng có trên thế giới như “kiện tướng xe thồ” Ma Văn Thắng (dân công tỉnh Phú Thọ) lập kỷ lục vận chuyển trên 3,5 tạ/1 chuyến, Cao Văn Tỵ (dân công tỉnh Thanh Hóa) vận chuyển được 3,2 tạ/một chuyến. Riêng chiếc xe cút kít của dân công Trịnh Đình Bầm tỉnh Thanh Hóa vận chuyển đến 2,8 tạ/một chuyến.

Đại tá, Tiến sĩ Vũ Tang Bồng, Nguyên Trưởng Phòng Lịch sử kỹ thuật hậu cần quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: “Xe đạp thồ của Thanh Hoá, hay xe Cút Kít của dân công Trịnh Định Bầm, tôi với tư cách làm nghiên cứu lịch sử quân sự, có liên tưởng, nó như một biểu tượng của tinh thần, ý chí. Ý chí ở đây như Thủ tướng Pháp đã nói, không phải cái gì đó đã đánh bại NaVa mà chính xe đạp thồ thồ 230kg đẩy bằng sức người, chính những cái đó đã đánh bại NaVa.”

xe dap tho - bieu tuong tinh than va y chi trong chien dich Dien bien phu hinh anh 2

Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, trong số trên 260 ngàn dân công của cả nước huy động phục vụ chiến dịch, có 33,3 nghìn lượt dân công hỏa tuyến, với 21 nghìn xe đạp thồ. Chỉ bằng sức người và phương tiện vận tải thô sơ, lực lượng dân công đã cùng vận tải cơ giới đưa được trên 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” lực lượng dân công nói chung và dân công hoả tuyến nói riêng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hi sinh để vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Theo vov.vn

CAM NANG CHUYEN DOI SO
SERI KY SU - DOC DAO NUOC TROI
NINH THUAN TAM NHIN VA KHAT VONG
NUI CHUA KHO BAO THIEN NHIEN