Đường vẽ Nazca (Peru): có hàng trăm hình vẽ với các kích thước và mức độ phức tạp khác nhau, trong đó, các hình lớn nhất có chiều ngang hơn 200m. Những đường vẽ này có thể nhìn thấy rõ nhất từ máy bay hoặc từ các chân đồi xung quanh. Một trong số các giả thuyết cho rằng, người Nazca đã tạo ra chúng để được các vị thần chú ý đến.
Stonehenge (Vương quốc Anh): là một di tích thời tiền sử, được xây dựng vào khoảng giữa năm 3000 và năm 2000 trước Công nguyên. Stonehenge thực tế là một vòng gồm những tảng đá có kích thước khác nhau. Lý do hay mục đích của vòng đá này vẫn là điều bí ẩn. Một số người cho rằng cho rằng, Stonehenge có thể là một ngôi mộ cổ.
Puma Punku (Bolivia) – một phần của ngôi đền lớn ở Tiwanaku – một địa điểm khảo cổ ở phía tây Bolivia, theo truyền thuyết của người Inca, là nơi thế giới được tạo ra. Địa điểm này chứa các khối xây dựng khổng lồ, khối lớn nhất dài 7,81 m, nặng khoảng 131 tấn. Không rõ những khối khổng lồ đó đã được vận chuyển và chúng được lắp ghép với nhau như thế nào.
Tượng Moai (đảo Ester): tượng người được người Rapa Nui chạm khắc từ đá từ nguyên khối vào những năm 1250-1500. Hầu hết tất cả các tượng Moai đều có đầu rất lớn, bằng 3/8 kích thước của toàn bộ bức tượng. Bức tượng Moai to nhất nặng 75 tấn nhưng người Rapa Nui đã có thể di chuyển những bức tượng này quanh đảo. Vẫn chưa rõ họ làm việc đó bằng cách nào.
Gobekli Tepe (Thổ Nhĩ Kỳ): địa điểm này được cho là được xây dựng từ những năm 8.000-10.000 trước Công nguyên. Điều này làm thay đổi nhận thức của chúng ta về nguồn gốc đầu tiên của tôn giáo vì địa điểm này hiện được cho là địa điểm tôn giáo lâu đời nhất. Cũng chưa rõ bằng cách nào khoảng 7.000 năm trước khi xây dựng các kim tự tháp, những người này có thể xây dựng và di chuyển những cây cột nặng tới 20 tấn.
Cánh đồng Chum (Lào): là một thắng cảnh khảo cổ học ở tỉnh Xiêng Khoảng. Hàng nghìn chiếc chum đá bí ẩn, một số cao tới 3 m, nằm rải rác trong khu vực rộng lớn. Một số người cho rằng những chiếc chum này được sử dụng để đựng rượu, những người khác tin rằng chúng được tạo ra để lấy nước mưa, còn một số người lại tin rằng chúng được sử dụng làm nơi chôn cất. Truyền thuyết địa phương cho rằng những người khổng lồ cổ đã sử dụng chum để đựng rượu.
Teotihuacan (Mexico): là một địa điểm khảo cổ gần Thành phố Mexico. Đó là một trung tâm đô thị khổng lồ và là nơi sinh sống của khoảng 100.000 người. Thành phố đã bị đổ nát khoảng 1.400 năm trước và sau đó người Aztec tiếp quản. Tên hiện đại do người Aztec đặt và có nghĩa là “nơi các vị thần được tạo ra” mặc dù không biết ai là người xây dựng. Teotihuacan là nơi có Kim tự tháp Mặt trời – một trong những kim tự tháp tuyệt vời nhất trên thế giới.
Đài tưởng niệm Yonaguni (Nhật Bản): được phát hiện vào năm 1987, khối đá dưới nước này nằm ngoài khơi bờ biển Yonaguni và được biết đến nhiều nhất ở Nhật Bản với tên gọi “Di tích tàu ngầm Yonaguni”. Một cuộc tranh luận đang diễn ra liệu công trình này, cụ thể là nền tảng hình ngôi sao, một bức tường thẳng 10 m, một cột đá cao 7 m, và nhiều thứ khác nữa, là tự nhiên hay nhân tạo. Không biết ai đã xây dựng các cấu trúc này và vào thời gian nào.
Kim tự tháp Bosnia (Bosnia và Herzegovina): năm 2005, một thông tin gây sốc đã được đưa ra – kim tự tháp lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới được tìm thấy gần thị trấn Visoko của Bosnia, có niên đại 25.000 năm. Các cuộc khai quật ở địa điểm khảo cổ bắt đầu vào năm 2006, các đường hầm và khối đá đã được tìm thấy. Tuy nhiên, nhóm gồm các nhà địa chất, khảo cổ học và nhiều nhà khoa học liên quan khác đã kết luận rằng những ngọn đồi hoàn toàn được hình thành tự nhiên chứ không phải do con người tạo ra. Cho đến nay, một số người vẫn tin rằng những ngọn đồi là một kim tự tháp nhân tạo, và các cuộc khai quật và tìm kiếm bằng chứng vẫn đang được tiếp tục.
Baalbek (Lebanon): là nơi tọa lạc của ngôi đền La Mã lớn nhất từng được xây dựng. Sau đó nó đã bị đế chế Byzantine phá hủy, nhưng trong số những tàn tích của nó, người ta tìm thấy Hòn đá “người phụ nữ mang thai” (còn được gọi là Hòn đá Phương Nam) – một trong những khối đá granit nguyên khối lớn nhất từng được khai thác – nặng 1.000 tấn. Một tảng đá tương tự thứ hai nằm gần đó còn nặng hơn – 1.242 tấn. Không rõ những khối đá đó được vận chuyển như thế nào và tại sao người La Mã lại có được chúng ở Baalbek./.