Theo phân tích của IQAir – công ty công nghệ chất lượng không khí có trụ sở tại Thụy Sĩ, chỉ có 7 quốc gia đạt tiêu chuẩn về hạt bụi mịn PM2.5 trong năm 2024. Các quốc gia này bao gồm Australia, New Zealand, Estonia, Greenland và một số quốc đảo nhỏ, với nồng độ trung bình hàng năm không vượt quá 5µg PM2.5/m³.
Ở chiều ngược lại, Chad, Bangladesh, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ấn Độ là những nước có mức ô nhiễm không khí cao nhất. Báo cáo cho thấy nồng độ PM2.5 tại các quốc gia này cao hơn ít nhất 10 lần so với mức khuyến nghị của WHO, riêng Chad cao hơn tới 18 lần.
Các chuyên gia y tế cho biết không có mức độ PM2.5 nào thực sự an toàn, do hạt bụi này có thể xâm nhập vào máu và gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Ô nhiễm không khí hiện là nguy cơ tử vong lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau huyết áp cao.
Một chiếc xe tải di chuyển với đèn bật sáng do sương mù bao phủ Lahore, Pakistan. – Ảnh: AP.
Báo cáo năm 2025 cũng ghi nhận một số cải thiện đáng chú ý. Tỷ lệ thành phố đáp ứng tiêu chuẩn PM2.5 đã tăng từ 9% năm 2023 lên 17% trong năm 2024.
Tại Ấn Độ, nơi có 6/10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, nồng độ PM2.5 đã giảm 7% so với năm 2023. Trung Quốc cũng có xu hướng cải thiện chất lượng không khí trong thập kỷ qua, với mức ô nhiễm PM2.5 giảm gần một nửa từ năm 2013 đến 2020.