Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng trăm triệu trẻ em trên toàn cầu bị gián đoạn học tập. Để duy trì việc học cho các em, các quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai nhiều chương trình giáo dục từ xa. Tuy nhiên, trước những hệ lụy của việc kéo dài học tập ở nhà vì dịch bệnh, điều cần thiết đặt ra là phải đưa học sinh quay lại lớp học trực tiếp bình thường khi điều kiện cho phép.
Đóng cửa trường học là lựa chọn cuối cùng
Trong 2 năm đại dịch, trẻ em trên khắp thế giới ước tính đã mất khoảng 1,8 nghìn tỷ giờ học. Thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát đã khiến các trường học tại hơn 188 nước phải đóng cửa (tính đến tháng 4/2020), làm gián đoạn việc học tập của 1,6 tỷ trẻ em, tương đương 75% trẻ em trong độ tuổi đến trường. Hiện tại, khi thế giới đã bước sang năm thứ ba của dịch Covid-19, cùng với hiểu biết nhiều hơn về căn bệnh này cũng như cách giảm thiểu lây nhiễm và đẩy mạnh tiêm phòng, nhiều quốc gia đã quyết định chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, sống chung với virus. Liên hợp quốc và các tổ chức y tế quốc tế khuyến nghị rằng đóng cửa trường học chỉ nên được coi là lựa chọn cuối cùng.
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng khẩn cấp về giáo dục, ảnh hưởng tiêu cực tới quyền học tập và hưởng các phúc lợi xã hội tại trường học, đồng nghĩa với việc tương lai và hạnh phúc của trẻ em cũng chịu tác động. Trong đại dịch, bảo đảm an toàn cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu, song sau 2 năm thích ứng với dịch bệnh, UNESCO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, trường học đóng cửa càng lâu, nguy cơ trẻ em và thanh thiếu niên mất đi tương lai càng cao.
“Đóng cửa trường học chỉ là biện pháp tạm thời và là biện pháp cuối cùng trong ứng phó với đại dịch. Trường học phải được ưu tiên mở cửa đầu tiên khi các biện pháp cách ly được dỡ bỏ.”
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam
Để giúp cho trẻ em trên thế giới tiếp tục học tập, các chương trình giáo dục từ xa đã được triển khai. Tuy nhiên, nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ ở các hộ gia đình nghèo hơn thường không có truy cập Internet, máy tính cá nhân, tivi hoặc máy thu thanh ở nhà, làm tăng tác động của bất bình đẳng trong học tập. Học sinh thiếu khả năng tiếp cận với các công nghệ cần thiết cho việc học tập tại nhà bị hạn chế về phương tiện để tiếp tục học. Kết quả là nhiều em phải đối mặt với nguy cơ không bao giờ trở lại trường học, làm mất đi những tiến bộ đạt được trong nhiều năm của nền giáo dục trên toàn thế giới.
Một báo cáo do UNESCO, UNICEF và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 12/2021 cảnh báo, thế hệ học sinh hiện nay có nguy cơ mất 17 nghìn tỷ USD thu nhập suốt đời vì việc đóng cửa trường học trong đại dịch. Báo cáo cho thấy, hàng triệu học sinh có nguy cơ không bao giờ được tiếp tục việc học của mình. Những học sinh nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, dù ở các nước giàu hay nghèo hơn, đều gặp phải những trở ngại lớn trong học tập.
Thống kê mới nhất được UNICEF công bố trong Ngày Quốc tế Giáo dục (24/1) vừa qua cho biết, có hơn 635 triệu học sinh vẫn bị ảnh hưởng vì trường học đóng cửa toàn bộ hoặc một phần. Trên toàn cầu, tình trạng gián đoạn giáo dục đã khiến hàng triệu trẻ em bỏ lỡ đáng kể các hoạt động học tập mà các em đã có thể tham gia nếu các em được học trong lớp học, trong đó trẻ nhỏ và thiệt thòi hơn thường bỏ lỡ nhiều nhất. Tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, lỗ hổng giáo dục vì trường học đóng cửa đã khiến tới 70% trẻ em trong độ tuổi 10 tuổi không thể đọc hoặc hiểu 1 đoạn viết đơn giản, tăng từ 53% so với trước khi đại dịch xảy ra.
“Trong tháng 3 này, chúng ta sẽ đánh dấu 2 năm từ khi nền giáo dục toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta đang chứng kiến lỗ hổng giáo dục gần như không thể khắc phục được đối với việc học tập của trẻ em.”
Ông Robert Jenkins, Trưởng bộ phận Giáo dục của UNICEF