Một người đàn ông ngồi trước một tòa nhà bị phá hủy ở thị trấn Beit Lahia, phía Bắc Dải Gaza, ngày 22/8/2024. – Ảnh: Xinhua.

Đây là cuộc họp mới nhất của cơ quan quyền lực Liên hợp quốc về tình hình Trung Đông, tiếp sau phiên họp khẩn cấp hôm 14/8.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện ngoại giao nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Gaza. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo để đảm bảo việc vận chuyển vắc-xin bại liệt vào Gaza một cách an toàn. Hiện Gaza đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bại liệt sau khi dịch bệnh này đã bị xóa sổ 25 năm trước.

Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland đã bày tỏ quan ngại trước nguy cơ cuộc xung đột gây ra thảm kịch nhân đạo ở Gaza sẽ lan rộng ra phạm vi khu vực. Những bất đồng chưa được hóa giải giữa Israel và Palestine cùng tình trạng chiếm đóng liên tục đang tạo ra một tình huống “dễ bùng nổ” trong khu vực. “Chúng ta cần ngừng bắn ngay bây giờ” – ông Wennesland nhấn mạnh.

Phát biểu từ Deir Al-Balah ở trung tâm Gaza, Tiến sĩ Louisa Baxter cho biết khu vực này “bị bao quanh bởi sự tàn phá khủng khiếp”. “Hơn 1,9 triệu người, trong số 2,3 triệu dân của Gaza, đã phải di dời và đang di chuyển qua những con phố đầy đổ nát, rác rưởi và nước thải” – bà Baxter cho biết.

Theo số liệu thống kê do Cơ quan phụ trách y tế ở Gaza công bố ngày 22/8, số người Palestine thiệt mạng trong các vụ tấn công đang diễn ra của Israel hiện đã lên tới 40.265 người, với 93.144 người bị thương. Con số thương vong trên thực tế có thể còn cao hơn do vẫn còn một số nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và nằm rải rác trên đường, do xe cứu thương và đội phòng vệ dân sự không thể tiếp cận được họ.

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X, ngày 22/8, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông của Liên hợp quốc (UNRWA) chỉ rõ, nhiều hệ thống giếng cung cấp nước sạch và cơ sở hạ tầng vệ sinh đã bị hư hại trong các cuộc giao tranh. “Với tình trạng quá tải, thiếu vệ sinh và nhiệt độ nóng bức không thể chịu đựng được, việc tiếp cận nước sạch vẫn tiếp tục là một vấn đề nan giải ở Dải Gaza” – UNRWA cho biết./.

Theo dangcongsan.vn