clock
Đang Tải...
logo
logo

Nguyễn Ái Quốc với tờ báo cách mạng đầu tiên Le Paria

play video18/05/2022 10:36

Học tập lãnh tụ cách mạng thiên tài của giai cấp vô sản V.I. Lenin với việc sử dụng báo chí như một vũ khí mạnh mẽ, sắc bén trong đấu tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu sự nghiệp cứu dân, cứu nước của mình bằng hoạt động báo chí và báo Le Paria ( Người cùng khổ) mà Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập đã ghi lại dấu ấn lịch sử này.

Nguyễn Ái Quốc với tờ báo cách mạng đầu tiên Le Paria - Ảnh 1.

Tờ báo cách mạng Le Paria thực hiện sứ mệnh giải phóng con người, do Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của Người sáng lập và phát hành được 38 số trong thời gian từ tháng 4/1922 đến tháng 4/1926.

Năm 1920 là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.

Thời điểm này, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lenin, tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp (họp từ ngày 25 đến 30/12/1920), bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế thứ Ba (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Đây là sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc cũng như trong lịch sử cách mạng nước ta.

Trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc nhận thức được trách nhiệm to lớn của mình là phải mang toàn bộ khả năng và sức lực, góp phần cùng Đảng Cộng sản Pháp quan tâm hơn nữa đến các dân tộc thuộc địa. Từ đây, bắt đầu một thời kỳ hoạt động sôi nổi của Người trên các lĩnh vực, nhất là trên các diễn đàn, các đại hội quốc tế và trên báo chí, nhằm lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa, thức tỉnh nhân dân các nước thuộc địa và hướng họ vào cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập.

Để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của nhân dân các thuộc địa, để có một bộ tham mưu tổ chức và lãnh đạo thống nhất cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các thuộc địa, được sự đồng tình, ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với các đại biểu thuộc địa của Pháp đứng ra vận động thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa – một hình thức mặt trận của các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân Pháp thống trị – liên minh với giai cấp vô sản ở chính quốc cùng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Hội Liên hiệp thuộc địa là một liên minh chống chủ nghĩa thực dân ra đời và hoạt động ngay tại trung tâm chính trị của nước Pháp.

Tại Paris – thủ đô nước Pháp,Hội Liên hiệp thuộc địa xuất bản báo Le Paria là lấy tờ báo làm cơ quan ngôn luận, là diễn đàn của nhân dân các thuộc địa.

Là chủ nhiệm, kiêm chủ bút, Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo biên tập và quyết định việc đưa bài viết lên mặt báo cũng như trình bày các trang báo. Trong số Le Paria đầu tiên ra ngày 1/4/1922, Nguyễn Ái Quốc cho đăng lời kêu gọi xuất bản báo, nêu rõ sự cấp thiết của việc ra báo, nhiệm vụ và mục tiêu của báo: “Trong lịch sử phong trào quần chúng bản xứ ở các thuộc địa của Pháp, chưa bao giờ có một tờ báo được lập ra để nói lên nỗi đau khổ và tình trạng cùng khốn chung của họ, bất kể là họ thuộc đất nước và giống nòi nào. Le Paria ra đời do sự đồng cảm sâu sắc của các đồng chí ở Bắc Phi, Tây Phi thuộc Pháp, Madagascar, Đông Dương, Ăngtiơ và Guyan”.

Le Paria tố cáo những sự lạm quyền về chính trị, lối cai trị độc đoán, tình trạng bị bóc lột về kinh tế mà nhân dân các vùng lãnh thổ rộng lớn ở hải ngoại đang là nạn nhân. Báo kêu gọi họ đoàn kết lại, đấu tranh cho tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính họ. Báo kêu gọi họ, tổ chức họ, nhằm mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi các lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và bác ái. Le Paria đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của báo chắc chắn sẽ đạt được: Đó là giải phóng loài người.

Từ khi ra đời đến khi đình bản, báo Le Paria ra được 38 số trong những điều kiện hết sức khó khăn về tài chính và phương tiện hoạt động, lại luôn bị cảnh sát theo dõi, đe dọa, gây khó dễ. Nguyễn Ái Quốc phụ trách tờ báo từ số 1 đến số 15 (tháng 6/1923). Sau khi Người sang Liên Xô hoạt động (giữa năm 1923), báo ra không đều và đến số 38 (tháng 4/1926) thì đình bản. Trước khi rời Pháp đi Liên Xô, Người viết bài để lại cho các số sau và từ Liên Xô Người tiếp tục gửi bài về đăng báo.

Là một trong những người sáng lập báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc tích cực vận động, tìm mọi cách cho báo Le Paria được xuất bản và tồn tại. Dự án ban đầu là thành lập một Công ty hợp tác mang tên Le Pariađể xuất bản báo, tiếc rằng số người đóng cổ phần không đủ,dự án đó không thực hiện được. Nguyễn Ái Quốc cùng một nhóm nhỏ gồm 8 đồng chí cam kết dù sao cũng phải cho xuất bản ngay tờ báo bằng cách quyên góp tiền trong số các hội viên Hội Liên hiệp thuộc địa.

Sau khi báo được xuất bản phát hành, báo có thêm nguồn tài chính từ việc bán báo, tiền đặt mua báo theo năm và tiền bán báo lẻ; tiền ủng hộ từ nhiều cá nhân, hoặc nhóm người, hay một tổ chức; tiền báo đăng quảng cáo; nguồn hỗ trợ cấp của Đảng Công sản Pháp. Tuy nhiên nguồn tài chính đó cũng không có đều. Mỗi khi đến kỳ in báo, chưa có tiền, những người lãnh đạo phải tự xoay xở. Nguyễn Ái Quốc thậm chí để dành phần tài chính eo hẹp của mình cho báo, Người còn chuyển chỗ ở từ nhà số 9 ngõ cụt Compoint, một khu phố nghèo ở Paris, trong những năm này vẫn phải thắp sáng bằng đèn dầu, đến ở nhà số 3, phố Marché des Patriarches – Trụ sở của Hội Liên hiệp thuộc địa và báo Le Paria, tiết kiệm số tiền thuê nhà 40 franc hằng tháng, để nộp vào quỹ của báo. Sau khi sang Liên Xô, với số tiền phụ cấp ít ỏi, Nguyễn Ái Quốc hết sức tiết kiệm, dành dụm tiền, có lần gửi về cho báo 96,25 franc.

Không chỉ lo vấn đề tài chính, thủ quỹ, bài vở, biên tập, Nguyễn Ái Quốc còn bao luôn các việc khác như phát hành, bán báo. Báo được phát hành ở nước Pháp và gửi đi các nước thuộc địa.

Công việc này hết sức gian nan vất vả như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại tại Đại hội lần thứ 2 Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959: “Cách bán báo: Bán cho anh em công nhân Việt Nam, họ không biết chữ Pháp, nhưng họ vẫn thích mua vì họ biết báo này chửi Tây, mua rồi họ nhờ anh em công nhân Pháp đọc cho họ nghe. Một cách nữa là: Ở Paris có những chỗ bán báo lấy hoa hồng. Vì là đồng chí với nhau cả, các anh chị ấy bán hộ cho mình mà không lấy hoa hồng và họ bán được khá nhiều. Các số báo vừa ra đều được Bộ Thuộc địa Pháp mua gần hết. Còn báo gửi đi các thuộc địa thì mấy chuyến đều bị tịch thu và người đưa báo thì bị bắt bỏ tù. Về sau, nhờ anh em thuỷ thủ Pháp bí mật chuyển hộ, thì không xảy ra việc gì. Nhưng rồi bọn thực dân cũng dò ra. Sau cùng, phải dùng đồng hồ có chuông mà gửi. Cách gửi như vậy đắt lắm, nhưng báo đều đến được các thuộc địa.  Cách thứ tư: Trong những cuộc mít tinh, mình đưa báo ra phát rồi nói: “Báo này nói cho các đồng chí biết bọn thực dân áp bức chúng tôi như thế nào. Báo này để biếu thôi, nhưng đồng chí nào có lòng giúp cho báo thì chúng tôi cảm ơn”. Kết quả là: Nếu đem bán thì 100 tờ báo được 5 franc, nhưng “biếu không” thì có khi được tới 10, 15 franc. Vì anh em công nhân có một, hai xu hoặc một, hai franc cũng cho cả.”

Nguyễn Ái Quốc là người tích cực nhất đem báo Le Paria đến các cuộc hội họp, mít tinh đông người để tuyên truyền bán báo. Theo theo dõi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Paris, một báo cáo của cơ quan mật vụ Pháp viết: Cạnh nghĩa trang Père, ngày 28/5/1923, vào dịp kỷ niệm Công xã Paris, Nguyễn Ái Quốc đã đứng phát cho từng người đến viếng mộ các chiến sĩ Công xã truyền đơn cổ động mua báo Le Paria do chính tay mình viết:

“Dự kiến những sự kiện nghiêm trọng có thể xảy ra ngày một ngày hai, bạn đừng đợi gì mà chưa mua báo Le Paria và hô hào bạn bè mua nó. Tờ báo này là tờ báo của bạn, giúp bạn thoát khỏi cảnh nô lệ và sẽ phát hành rộng rãi trong tất cả các thuộc địa, nhằm dắt dẫn mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ búa liềm để trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột mà chúng ta là những người cùng khổ.

Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hoà thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau.

Tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới.

Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!”

Vì mục tiêu cao cả của báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc đóng góp cho sự tồn tại và phát triển của báo bằng cách viết nhiều bài cho báo. Người là linh hồn, là cây bút chính của tờ báo. Tổng cộng, Người viết 38 bài với các bút danh khác nhau và có 5 bức tranh ký tên “Nguyễn Ái Quốc”. Điển hình như báo Le Paria số 5 đăng 4 bài và 1 tranh của Người, chiếm gần hết trang nhất, số 11, 15 mỗi số có 3 bài của Nguyễn Ái Quốc…

Báo Le Paria thực hiện sứ mệnh giải phóng con người. Mục tiêu đó được quán triệt sâu sắc, phong phú trong các bài viết và tranh vẽ của Nguyễn Ái Quốc trên tờ báo này. Làm việc không mệt mỏi để thu thập tư liệu và với vốn sống phong phú, vốn hiểu biết thời sự chính trị sâu sắc, Nguyễn Ái Quốc tập trung vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương và các thuộc địa khác. Từ đó, giúp người đọc nhận thức rõ hơn về sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân nói chung và thực dân Pháp nói riêng; về mâu thuẫn không thể điều hoà giữa chủ nghĩa thực dân với nhân dân lao động tại các thuộc địa; về mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa và chính quốc…

Cũng từ những bài báo giàu tính chiến đấu đó, Nguyễn Ái Quốc đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin vào phong trào công nhân ở các thuộc địa, thức tỉnh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời, thông qua nội dung các bài báo, Người bước đầu chỉ ra yêu cầu cần thiết của việc thực hiện đoàn kết giai cấp và đoàn kết quốc tế, giữa nhân dân các thuộc địa, giữa thuộc địa với chính quốc và coi đó là những điều kiện bảo đảm cho cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Bộ Thuộc địa Pháp theo dõi sít sao những hành động của Nguyễn Ái Quốc từ khi lập ra tờ báo Le Paria, kiểm soát nội dung các bài báo và cũng đưa ra nhận xét: Báo Le Paria có nhiệm vụ giáo dục cho quần chúng Đông Dương những phương pháp hành động được người Bolshevik cổ vũ để dẫn dắt họ đến việc gây rối và từ đó họ thực hiện mục tiêu tương lai của họ. Lo sợ tờ báo đe dọa sự thống trị của Pháp ở Đông Dương, nên chúng tìm mọi cách ngăn cản việc Le Paria được chuyển về Đông Dương.

Mặc dù bị nhà cầm quyền thực dân ra sức cấm đoán, báo Le Paria vẫn được các thuỷ thủ yêu nước bí mật chuyển vào nước ta, về cảng Sài Gòn, Hải Phòng đưa cho các cơ sở rồi từ đó phân phát bằng cách truyền tay nhau đến các thanh niên trí thức yêu nước, sinh viên, học sinh ở các thành phố, trường học. Những bài hay, nhất là những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc, thường được họ chép lại làm tài liệu phổ biến cho bạn bè, vì số lượng báo đưa về không nhiều, không thể đến khắp các nơi cần có.

Le Paria là tờ báo duy nhất trong lịch sử báo chí thế giới với tư cách là diễn đàn của các dân tộc thuộc địa, viết dưới ánh sáng tư tưởng của V. I. Lenin, của Quốc tế Cộng sản, thấm nhuần khẩu hiệu chiến lược: ” Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!” Le Paria cũng là tờ báo đầu tiên tuyên truyền chủ nghĩa Marx-Lenin và chủ nghĩa yêu nước chân chính vào Việt Nam và các nước thuộc địa. Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng và đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Người theo quan điểm của chủ nghĩa Marx- Lenin.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động vẫn tiếp tục diễn ra quyết liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta vững bước đi theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn từ 100 năm trước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Kiên định đường lối cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn:  Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Marx-Lenin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.”

Cùng với di sản tư tưởng Người để lại là tình cảm cách mạng, là tấm gương dũng cảm, trung thực của người chiến sĩ, nhà báo cách mạng vĩ đại nhất, luôn cổ vũ các thế hệ nhà báo Việt Nam, những chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận sử dụng cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên nhân dân đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đế quốc, xây dựng và phát triển “một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Phạm Thị Lai
Bảo tàng Hồ Chí Minh

Theo baochinhphu.vn

CAM NANG CHUYEN DOI SO
SERI KY SU - DOC DAO NUOC TROI
NINH THUAN TAM NHIN VA KHAT VONG
NUI CHUA KHO BAO THIEN NHIEN