Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bế tắc trong việc đưa ra nghị quyết
Khói lửa bốc lên từ thành phố Gaza, sau các cuộc oanh kích của không lực Israel nhằm đáp trả các vụ tấn công bằng rocket của Phong trào Hamas. – Ảnh: THX/TTXVN. |
Ngày 25/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một lần nữa không đạt được đồng thuận về nghị quyết liên quan đến cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.
Dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất đã không được nhất trí thông qua tại Hội đồng Bảo an khi chỉ có 10 quốc gia tán thành. Nga, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là những nước phản đối, trong khi Brazil và Mozambique bỏ phiếu trắng. Dự thảo nghị quyết kêu gọi các bên liên quan xung đột tại Dải Gaza ngừng ngay lập tức vụ tấn công bạo lực để mở đường cho khu vực này tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo. Washington cũng thể hiện sự ủng hộ quyền tự vệ của “tất cả các quốc gia” trong giới hạn của luật pháp quốc tế.
Đây là lần thứ hai Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể nhất trí về dự thảo nghị quyết về cuộc xung đột Hamas – Israel. Ngày 16/10, bản dự thảo do Nga đề xuất cũng đã vấp phải sự phủ quyết của Mỹ, Anh, trong khi Pháp và Nhật Bản nằm trong số các nước bỏ phiếu trắng. Bản dự thảo này kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn, lâu dài và tôn trọng quyền con người, đồng thời lên án mọi hành vi bạo lực và thù địch nhằm vào dân thường.
Trong khi đó, rạng sáng 28/10 (giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo. Nghị quyết do Jordan bảo trợ đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với 120 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 45 phiếu trắng.
Nghị quyết cũng yêu cầu tất cả các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho mọi con tin, đồng thời đảm bảo việc cung cấp các nhu yếu phẩm “liên tục, đầy đủ và không bị cản trở” tới người dân đang bị mắc kẹt trong khu vực trong bối cảnh có thông tin Israel đã mở rộng các hoạt động trên bộ và tăng cường ném bom Dải Gaza.
Đây là nghị quyết đầu tiên được Liên hợp quốc chính thức thông qua kể từ khi vòng xoáy xung đột mới nhất bùng phát giữa Israel và Hamas hôm 7/10 tới nay.
WB cảnh báo hệ lụy của xung đột Hamas – Israel đối với kinh tế toàn cầu
Trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, DC, Mỹ. – Ảnh: AFP/TTXVN. |
Ngày 24/10, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga nhận định, xung đột giữa Hamas – Israel có thể giáng đòn “nghiêm trọng” đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu.
Tuyên bố trên của ông Banga được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị thường niên “Sáng kiến đầu tư tương lai”, diễn ra từ ngày 24-26/10 tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. Sự kiện này quy tụ hơn 6.000 đại biểu, bao gồm lãnh đạo nhiều nước cùng các giám đốc ngân hàng toàn cầu. Theo Chủ tịch WB, những gì diễn ra gần đây tại Israel và Dải Gaza gây ra tác động nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế. Ông nhấn mạnh thế giới đang ở trong thời điểm “rất nguy hiểm”.
Tình trạng xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông và tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc xung đột tại Trung Đông có thể tạo thêm các thách thức mới với kinh tế toàn cầu.
Theo các nhà phân tích, tất cả các kịch bản xung đột đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu mỏ thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên 6,7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại 5,8% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Dầu mỏ, vàng và USD đồng loạt tăng giá
Tại phiên giao dịch ngày 25/10, giá vàng đảo chiều, tăng giá sau khi giảm trong hai phiên trước đó. – Ảnh: Reuters. |
Giá dầu mỏ thế giới ngày 25/10 đã tăng khoảng 2% do lo ngại về xung đột ở Trung Đông, với mức tăng đã bị kìm lại phần nào do lượng dầu dự trữ của Mỹ cao hơn và triển vọng kinh tế ảm đạm ở châu Âu.
Chốt phiên trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 2,06 USD (tương đương 2,34%) lên 90,13 USD/thùng. Trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 1,65 USD (1,97%) lên 85,39 USD/thùng.
Cùng ngày, tình hình leo thang xung đột ở Trung Đông cũng đã thúc đẩy giá vàng trong khi giới đầu tư chờ các số liệu kinh tế quan trọng để tìm thêm tín hiệu về triển vọng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Chốt phiên trên sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao tháng 12/2023 tăng 8,8 USD (0,44%) lên 1.994,9 USD/ounce. Kim loại quý này đảo chiều, tăng giá sau khi giảm trong hai phiên trước đó và giao dịch dưới mức cao nhất trong 5 tháng đạt được hồi tuần trước.
Theo chuyên gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn tại công ty môi giới đầu tư RJO Futures, những lo ngại về địa chính trị sẽ chưa thể lắng xuống trong thời gian ngắn. Xung đột tại Dải Gaza vẫn diễn ra dù quốc tế kêu gọi tạm dừng giao tranh và diễn biến này chắc chắn sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng.
Tương tự diễn biến giá vàng và dầu mỏ thế giới, đồng USD cũng mạnh lên khi thị trường tài chính toàn cầu chịu ảnh hưởng của lãi suất trái phiếu Mỹ tăng đột biến. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ trong ngày 25/10 đã nhích lên mức 4,9506%, tiệm cận 5% – mốc cao nhất trong 16 năm qua ghi nhận hôm 23/10 vừa qua.
Hạ viện Mỹ chính thức có Chủ tịch thứ 56
Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson. – Ảnh: Reuters. |
Rạng sáng 26/10 (theo giờ Việt Nam), với 220 phiếu thuận, Hạ viện Mỹ đã bầu Hạ nghị sĩ Mike Johnson thuộc đảng Cộng hòa, đại diện của bang Louisiana, làm Chủ tịch Hạ viện sau 3 tuần chiếc ghế lãnh đạo bị bỏ trống, khiến hoạt động của cơ quan lập pháp này rơi vào tê liệt.
Tại cuộc họp, phe Dân chủ đã đề cử Lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ viện, Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries của bang New York cho chức Chủ tịch Hạ viện, trong khi tất cả những hạ nghị sĩ Cộng hòa tối 24/10 còn lưỡng lự thì sang ngày 25/10 đã quyết định dồn phiếu cho ông Johnson.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy, ứng cử viên Johnson được 220 phiếu ủng hộ – vượt qua ngưỡng cần thiết 217 phiếu để đắc cử Chủ tịch Hạ viện, trong khi ứng cử viên Jeffries chỉ được 209 phiếu, mất 3 phiếu so với các vòng đối đầu trước đó với các ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa. Như vậy, ông Johson đã trở thành Chủ tịch Hạ viện thứ 56 của Mỹ.
Hạ nghị sĩ Johnson, hiện là Phó Chủ tịch Hội nghị Cộng hòa tại Hạ viện, là người thứ tư được phe Cộng hòa đề cử cho chức Chủ tịch Hạ viện sau khi ông Kevin McCarthy bị phe cực hữu bãi miễn hôm 3/10.
Ông Mike Johnson, 51 tuổi, là thành viên của Hạ viện Mỹ từ năm 2016 và hiện đang đảm trách nhiệm kỳ hạ nghị sĩ thứ 4. Việc ông Johnson được bầu làm Chủ tịch Hạ viện đã chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 22 ngày qua và mở ra triển vọng để Quốc hội Mỹ giải quyết các vấn đề cấp thiết như xem xét gói chi tiêu an ninh quốc gia trị giá 106 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden công bố ngày 20/10 nhằm tăng cường an ninh biên giới của Mỹ, cũng như gửi hàng tỷ USD viện trợ đến Israel và Ukraine, đặc biệt là đạt thỏa thuận về gói chi tiêu giúp tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ trong bối cảnh thời hạn chót ngày 17/11 đang đến gần.
Ít nhất 27 người thiệt mạng do bão Otis
Bão Otis gây ra mưa lớn, đất đá lấp đường xá tại Acapulco, Mexico. – Ảnh AP. |