– Ảnh: Getty Images.
Các nhà khoa học đã phát hiện một hành tinh có tên 2M1510 (AB) b, cách Trái Đất khoảng 120 năm ánh sáng – một khoảng cách tương đối gần trong quy mô vũ trụ.
Hình ảnh nhân vật Luke Skywalker đứng trên hành tinh Tatooine ngắm hoàng hôn 2 Mặt Trời là một biểu tượng bất hủ trong bộ phim “Star Wars” năm 1977. Nhưng thế giới khoa học vũ trụ ngày nay đã vượt xa trí tưởng tượng đó – không chỉ phát hiện các hành tinh sao đôi (hành tinh quay quanh hai ngôi sao), mà mới đây, các nhà thiên văn học còn xác nhận sự tồn tại của một hành tinh quay quanh hai sao lùn nâu – thứ không hẳn là sao, cũng không hoàn toàn là hành tinh.
Theo báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances, thông qua Kính viễn vọng cực đại của Đài Thiên văn Nam Âu đặt tại Chile, các nhà khoa học đã phát hiện một hành tinh có tên 2M1510 (AB) b, cách Trái Đất khoảng 120 năm ánh sáng – một khoảng cách tương đối gần trong quy mô vũ trụ. Đây có thể là hành tinh khí khổng lồ với khối lượng gấp 4-5 lần Trái Đất.
Đáng chú ý, thay vì quay quanh một hoặc hai ngôi sao giống như Mặt Trời, hành tinh 2M1510 (AB) b lại quay quanh 2 sao lùn nâu – những vật thể trung gian giữa sao và hành tinh, không đủ khối lượng để khởi động quá trình nhiệt hạch như một ngôi sao thực thụ, nhưng vẫn lớn hơn rất nhiều so với các hành tinh. Mỗi sao lùn nâu này có khối lượng gấp 35 lần Sao Mộc – hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời.
Điểm độc đáo nhất của hành tinh này nằm ở quỹ đạo cực – quỹ đạo gần như vuông góc với mặt phẳng quay của cặp sao lùn nâu. Trong khi các hành tinh thông thường quay theo mặt phẳng chung với quỹ đạo của các thiên thể mà chúng xoay quanh, 2M1510 (AB) b lại chọn một lộ trình “chệch quỹ đạo,” như một vệ tinh nhân tạo bay qua hai cực Bắc-Nam của Trái Đất.
Theo ông Thomas Baycroft – nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành thiên văn học tại Đại học Birmingham (Anh) và là tác giả chính của nghiên cứu trên, không hành tinh nào trong Hệ Mặt Trời có quỹ đạo cực.
